Ban hành quyết định hành chính về đất đai: Nhiều sai phạm, dân khởi kiện

TAND cấp cao tại TPHCM trong 5 năm gần đây xét xử phúc thẩm 2.395 vụ án hành chính, trong đó có tới 89,7% các vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai. Kết quả, có 236 quyết định hành chính bị hủy. Qua giám đốc thẩm, có một vụ tuyên hủy án phúc thẩm, hai vụ sửa án theo hướng tuyên hủy quyết định hành chính.


Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MAI HOA
Sáng 6-9, VKSND cấp cao tại TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề một số vấn đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Tới dự có các Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn, Nguyễn Huy Tiến; lãnh đạo VKS, UBND các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TPHCM Nguyễn Đình Trung cho rằng, 23 tỉnh thành khu vực phía Nam là khu vực phát triển năng động, đầu tàu kinh tế cả nước. Việc các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các dự án đã góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, nhưng cũng làm phát sinh nhiều khiếu nại khiếu kiện liên quan đất đai.

Thống kê cho thấy trong tổng số vụ án hành chính được TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm có tới 89,7% khiếu kiện về tranh chấp đất đai, hỗ trợ bồi thường tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Về nguyên nhân, ông Nguyễn Đình Trung cho rằng có một phần do pháp luật đất đai chưa hoàn thiện, chưa khắc phục được những bất cập nảy sinh trong thực tiễn, quá trình áp dụng pháp luật làm phát sinh các xung đột về lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi.

Trong khi đó, các cơ quan tham mưu chưa làm hết trách nhiệm của mình nên việc ban hành quyết định hành chính còn có những sai phạm về thẩm quyền, nội dung, tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện đông người.

Ban hành quyết định hành chính về đất đai: Nhiều sai phạm, dân khởi kiện ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MAI HOA
Tại hội nghị, VKSND cấp cao tại TPHCM đã tổng kết những vi phạm chủ yếu trong ban hành quyết định hành chính về đất đai, dẫn đến việc tòa án tuyên hủy quyết định hành chính.

Đó là các sai phạm về thẩm quyền, trình tự thủ tục ban hành và các vi phạm về nội dung. Các nội dung chủ yếu là khiếu kiện quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, như đòi bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai…

Đại diện các địa phương như TPHCM, Long An, Đồng Nai... đã trình bày trước hội nghị thực tiễn và kinh nghiệm của địa phương để hạn chế phát sinh khiếu kiện hành chính; đồng thời góp ý sửa đổi pháp luật về đất đai cho phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn đánh giá, tình hình khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai gia tăng phần nào phản ánh những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý. Ông đề nghị các cơ quan tố tụng và UBND các cấp tăng cường phối hợp để giảm khiếu kiện hành chính.

"Cò đất" xưng danh luật sư, dụ người dân đi... đòi đất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho hay, người dân có ý kiến chủ yếu về giá và về tái định cư có ổn hay không. Kinh nghiệm của Đồng Nai – một địa phương thu hồi đất rất nhiều nhưng tỷ lệ quyết định bị khiếu nại, khiếu kiện thấp – là việc bố trí tái định cư tại chỗ với diện tích thỏa đáng. Ngoài ra cũng xem xét bố trí thêm suất tái định cư cho hợp tình hợp lý.

Ông Trần Văn Vĩnh cũng nêu hiện tượng có một số đối tượng cò mồi, xưng danh là luật sư. Khi có quyết định thu hồi đất thì những người này đến gặp người dân, tạo đơn từ cho người dân ký vào, “cứ để tôi đi đòi”, được thì chia, không được thì dân không mất gì. “Phải tìm được các đối tượng này để xử lý”, ông Vĩnh nói.

Tin cùng chuyên mục