Băn khoăn bài toán tuyển sinh lớp 10

Ngày 8-8, TPHCM đã kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung lớp 10 công lập. Ghi nhận chung tại các trường THPT cho thấy, số lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung chênh lệch nhiều giữa các quận, huyện. Tuy nhiên chưa thể giải quyết bài toán tuyển sinh không đủ chỉ tiêu của các trường ở tốp dưới.
Phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung lớp 10 công lập tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức)
Phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung lớp 10 công lập tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức)

Nhiều trường vẫn thiếu chỉ tiêu

Theo danh sách chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung lớp 10 công lập do Sở GD-ĐT TPHCM công bố, Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) đứng thứ nhì về số lượng chỉ tiêu tuyển sinh với 274 chỉ tiêu. Trước đó, điểm xét tuyển nguyện vọng 3 vào trường này tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2023-2024 là 12,75 điểm. Thầy Đoàn Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, cho biết, tình trạng học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập nhưng không nộp hồ sơ nhập học đã diễn ra nhiều năm. Năm học 2023-2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của trường là 729 học sinh, danh sách học sinh trúng tuyển chỉ có 1/3 cư trú tại quận 8, còn lại là học sinh đến từ các quận 6, 10, 11, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, thậm chí quận 12 và Gò Vấp nhưng tỷ lệ nhập học không cao do khoảng cách địa lý quá xa.

Lý giải tình trạng thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, thầy Đoàn Nhật Quang phân tích, trên địa bàn quận 8 có 6 trường THPT công lập, khả năng đáp ứng chỗ học cao hơn số lượng học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS trên địa bàn. Trong khi đó, học sinh các quận, huyện khác có nhu cầu nhập học tại đây phải đi phà qua sông hoặc vượt quãng đường hơn 10km. “Xét tuyển bổ sung nhằm tạo thêm cơ hội học tập tại trường công lập cho học sinh rớt cả 3 nguyện vọng lớp 10. Tuy nhiên nhà trường phải tư vấn kỹ cho phụ huynh về môi trường học tập và điều kiện đi lại, hạn chế tình trạng học sinh xin chuyển trường sau một thời gian nhập học”, thầy Quang chia sẻ.

Tương tự, tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ngãi thông tin, trường nhận khoảng 30 hồ sơ đủ điều kiện xét tuyển bổ sung lớp 10. Nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ không đủ điều kiện xét tuyển là do có điểm thi lớp 10 thấp hơn điểm chuẩn nguyện vọng 3 của trường là 14,25 điểm. Với những trường hợp này, nhà trường sẽ tư vấn, giới thiệu phụ huynh tìm hiểu trường THPT công lập có mức điểm xét tuyển bổ sung thấp hơn hoặc các mô hình học tập khác phù hợp hơn với năng lực học sinh như trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường nghề, trường THPT tư thục… Còn tại huyện Cần Giờ, ngoại trừ Trường THCS-THPT Thạnh An trú đóng trên xã đảo tách biệt với đất liền, 3 trường công lập còn lại là THPT An Nghĩa, THPT Cần Thạnh và THPT Bình Khánh đều có chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung lớp 10 khá lớn nhưng gần như không có học sinh nộp hồ sơ do phần lớn các em tại địa bàn không đủ điểm xét tuyển, trong khi học sinh từ các quận, huyện khác không thể nghĩ đến việc xuống Cần Giờ đi học do khoảng cách đi lại quá xa.

Cần phương án xét tuyển đầy đủ hơn

Thống kê nhanh từ các trường THPT công lập ở tốp giữa và tốp dưới cho thấy, trường có số lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung nhiều nhất khoảng 90 hồ sơ, trường thấp nhất chỉ 2-3 hồ sơ. Trong khi đó, nhóm trường có điểm chuẩn đầu vào ở tốp đầu không có thí sinh đủ điều kiện do điểm chuẩn nguyện vọng 3 khá cao.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) hướng dẫn phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung lớp 10 công lập

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) hướng dẫn phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung lớp 10 công lập

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TPHCM cho phép xét tuyển bổ sung lớp 10 công lập. Mặc dù được nhiều người nhận định đây là chủ trương mang tính nhân văn, mở ra thêm cơ hội học tập ở trường công lập cho một bộ phận học sinh, tuy nhiên do triển khai vội vã nên không tránh khỏi bất cập. Lãnh đạo các trường THPT đều cho biết, trước đó khi cho học sinh đăng ký 3 nguyện vọng lớp 10 công lập, nếu học sinh chọn nguyện vọng vào các trường THPT có khoảng cách từ nhà đến trường hơn 10km được yêu cầu làm cam kết đảm bảo điều kiện đi học trong suốt 3 năm học THPT. Tuy nhiên, khi tổ chức xét tuyển bổ sung, người học không cần cam kết điều này dẫn đến nhiều trường hợp phụ huynh và học sinh “nhắm mắt” đăng ký vào trường có điểm chuẩn nguyện vọng 3 thấp hơn điểm thi của học sinh để chắc suất học công lập dù khoảng cách từ nhà đến trường rất xa.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, ngành giáo dục thành phố sẽ tính toán lại phương án phù hợp hơn cho những năm kế tiếp, đảm bảo các trường kết thúc tuyển sinh trong tháng 7 để chủ động bố trí lớp học, sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên cho năm học mới vào đầu tháng 8. Trong đó, nhiều phương án đang được đề xuất như cho học sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi lớp 10, quy định thêm điều kiện xét tuyển ở một số khu vực đặc thù…

Phó hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Hóc Môn cho biết, trường chỉ tư vấn chứ không có quyền ngăn cản phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vì đây là nhu cầu và quyền lợi chính đáng của phụ huynh, học sinh.

Trường hợp phụ huynh quyết tâm cho con nhập học mà khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, trường sẽ gợi ý các giải pháp như học sinh thuê nhà trọ, ở nhờ nhà người quen, đi xe đưa đón…

Tin cùng chuyên mục