Quyền được chết - an tử là cái chết nhân đạo đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng để “giải thoát” cho những người không may bị bệnh hiểm nghèo, nan y phải chịu sự đau đớn đến tột cùng về thể xác và tinh thần mà không thể cứu chữa. Tuy nhiên, ở nước ta “quyền được chết” là một vấn đề vô cùng nhạy cảm và còn nhiều rào cản, nên việc Bộ Y tế trong bản góp ý mới đây cho dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có đề cập đến vấn đề “quyền được chết”, đang khiến dư luận xã hội rất quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Đột phá về tư duy?
Theo Bộ Y tế, hiện nay trên thế giới đã có một số quốc gia cho phép thực hiện quyền được chết bình thản hay còn gọi an tử, như: Hà Lan, một số bang của Mỹ, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ. Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình họ. “Quyền an tử cho phép người bệnh được quyền chết. Đó là những người bệnh đau đớn về thể xác, tinh thần, người bị bệnh hiểm nghèo sống không bằng chết, người đó muốn được chết một cách bình thản...”, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ.
Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thường phải chịu đựng sự đau đớn về thể xác và tinh thần.
Do đó trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được Bộ Y tế nghiên cứu cho ý kiến đã đề xuất bổ sung “quyền được chết” hay quyền an tử, cái chết nhân đạo vào trong luật. TS Nguyễn Huy Quang lý giải, với những trường hợp mắc ung thư giai đoạn cuối phải chịu đau đớn đến tột cùng về thể xác và tinh thần rồi cả những người chết lâm sàng, phải sống thực vật không thể cứu chữa được, bản thân họ mong muốn được ra đi êm ái. Vậy tại sao chúng ta không đặt vấn đề về “quyền được chết”? Cũng theo TS Nguyễn Huy Quang, “quyền được chết” là bước đột phá trong tư duy nhân đạo. Bởi lẽ an tử là chết một cách lặng lẽ, bình thản với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Được biết từ năm 2005, đề xuất về “quyền được chết” cũng từng được đưa ra nhưng khi đó các đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp và sẽ xem xét sau.
Khó khả thi
Rõ ràng với quan niệm lâu nay “sinh có hạn, tử bất kỳ” thì việc đặt ra “quyền được chết” để xem xét đưa vào quy định của pháp luật ở nước ta là một vấn đề vô cùng nhạy cảm và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Phản ứng trước đề xuất trên, không ít ý kiến đã phản bác lại và cho rằng không nên đặt ra và đưa vào trong quy định pháp luật về “quyền được chết”, bởi lẽ đạo đức xã hội không bao giờ cho phép và bản thân bác sĩ hay một ai khác cũng không dám thực hiện “quyền được chết” cho người khác dù là một cái chết nhẹ nhàng, thanh thản và nhân đạo. Hơn nữa, với những người làm nghề y trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông thì trách nhiệm của người thầy thuốc là trị bệnh, cứu người. Khi người bệnh tự chết, trở về thế giới bên kia, trách nhiệm của người thầy thuốc mới kết thúc.
Tuy nhiên, trong số những người đang làm trong ngành y tế thì cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc đưa ra quy định về quyền an tử. Th.S Hoàng Kim Xuyến, Khoa Nhi và tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho rằng, “quyền được chết” là lựa chọn tối ưu đối với gia đình và người bệnh khi bị đau ốm kéo dài. Việc này giúp người bệnh giải thoát khỏi sự đau đớn cho bản thân và tránh cho gia đình đỡ tốn kém về tiền bạc. Bằng chứng là có nhiều trường hợp người bệnh đã tự giải thoát cho chính bản thân họ bằng việc tự tử. Còn TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh đây là quyết định đúng đắn, nhân đạo với bệnh nhân. Bởi thực tế không ít bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sự tồn tại của họ chỉ tính bằng ngày, bằng tháng nhưng họ phải “sống trong đau đớn” với những cơn đau khủng khiếp. Gia đình, người thân họ phải gánh chịu nỗi đau và sự tốn kém tiền của, nên người bệnh yêu cầu chấm dứt điều trị để họ ra đi, chấm dứt nỗi đau dai dẳng. Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K Trung ương cho biết, thực tế những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thì tâm lý bệnh nhân lẫn người nhà đều chán nản, kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần và kiệt quệ kinh tế nên cần phải có quy định pháp luật về “quyền được chết”.
Trong khi đó, một số luật gia cũng có ý kiến khi cho rằng việc công nhận “quyền được chết” là vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu pháp luật công nhận quyền này thì cần có một khung pháp lý và quy trình chặt chẽ, để đảm bảo không xảy ra tình trạng lạm dụng “quyền được chết” hoặc là cá nhân thực hiện quyền này nhưng không phải là ý chí đích thực của họ. Đồng thời phải có đầy đủ các quy định pháp lý, các quy trình cụ thể, để có thể xác định thực sự người bệnh đã hết hy vọng cứu chữa và nguyện vọng được chết của người bệnh không phải do một trạng thái tâm thần bất thường chi phối, cũng không phải là một nguyện vọng nhất thời. Và không ai khác, việc quyết định “quyền được chết” phải do người bệnh quyết định. Hơn nữa cũng cần có quy định cụ thể hoặc có một lực lượng chuyên biệt để thực hiện “quyền được chết” vì không phải bác sĩ nào cũng có đủ dũng khí, can đảm để đưa cái chết nhân đạo và thanh thản cho bệnh nhân của mình cho dù người bệnh yêu cầu.
MINH KHANG