Băn khoăn về tính kế thừa của thế hệ lãnh đạo Quốc hội khóa mới ​

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tâm tư: “Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khoá XIV cho khoá XV tới là rất ít..."
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Chiều 25-3, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh những mặt được, công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ này vẫn có một số bất cập. “Dự thảo gửi quá gấp, nên sự góp ý rất vội vàng, nghiên cứu không được bao nhiêu, chưa tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số cơ quan, bộ ngành chưa đầu tư đúng mức cho nhiệm vụ xây dựng chính sách, thể chế”.

Đáng lưu ý, ông Khải cho biết vẫn lo lắng về chất lượng xét xử, nhất là án dân sự.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành thì cho rằng trở ngại lớn nhất hiện nay là vấn đề nhân lực. Giáo dục phải là gốc và phải tạo ra một hệ giá trị xã hội một cách cơ bản. Hiện nay chúng ta chưa đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu, và còn khá hình thức, lệ thuộc bằng cấp. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng con người, lại là trách nhiệm của ngành Nội vụ. Tuyển dụng, bổ nhiệm con người đã thực sự đúng hay chưa, đánh giá đúng hay chưa, nếu không sẽ không cải thiện được tình trạng 30% không làm việc.

Cũng nói về công tác nhân sự tại kỳ họp này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) bày tỏ băn khoăn về tính kế thừa của thế hệ lãnh đạo Quốc hội khoá mới.

Ông nói: “Tôi rất băn khoăn tới đây ai sẽ là Chủ tịch Quốc hội, ai thay thế vị trí các Phó Chủ tịch Quốc hội đều nghỉ sau nhiệm kỳ này, ai sẽ là Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội”. Tuy đã tiếp cận được phần nào thông tin về công tác nhân sự qua các kỳ họp Trung ương, nhưng cử tri và cả đại biểu vẫn lo lắng bởi tính kế thừa. Liệu có đảm bảo được sự liên tục của đội ngũ lãnh đạo trong Quốc hội hay không, khi mà tất cả các vị trí lãnh đạo ở cơ quan quyền lực cao nhất đồng loạt thay đổi. Qua tìm hiểu cá nhân, ông xác định được, chỉ có 5 trong tổng số 18 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục công tác trong khoá mới.

Đại biểu nêu suy nghĩ: “Tôi thấy rất e ngại về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội kỳ này khi tính kế thừa của khóa XIV cho khoá XV tới là rất ít. Tôi tin, rất nhiều lãnh đạo các ngành khác về Quốc hội cũng sẽ không dễ bắt ngay vào công việc khi chưa có kinh nghiệm ở cơ quan lập pháp. Chắc chắn sẽ có những lúng túng, bỡ ngỡ và điều đó hẳn là sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của Quốc hội giai đoạn tới. Cử tri đặt câu hỏi như vậy và chính chúng tôi cũng có những băn khoăn như thế”.

Đại biểu gợi ý, cần suy nghĩ về chiến lược quy hoạch cán bộ để những nhiệm kỳ sau, Quốc hội đảm bảo được tính kế thừa, vững chắc.

Tin cùng chuyên mục