Bán lẻ nội địa vươn lên mạnh mẽ

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Saigon Co.op đón hàng triệu lượt khách mua sắm mỗi ngày
Saigon Co.op đón hàng triệu lượt khách mua sắm mỗi ngày

Tiềm năng là vậy, song thị trường cũng cạnh tranh rất khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia cuộc chơi cần có chiến lược linh hoạt để không bị loại khỏi cuộc đua.

Qua đánh giá của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1-2007. Các thống kê cho thấy, nếu như ở thời điểm năm 2007, Việt Nam mới chỉ có 140 siêu thị và đại siêu thị, 20 trung tâm thương mại, thì tới nay theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Cùng với đó, quy mô của thị trường cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 42,5 tỷ USD vào năm 2007 lên mức 142 tỷ USD trong năm 2022.

Đặc biệt, thị trường cũng thu hút sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp ngoại, từ đó tác động nhất định tới thị trường bán lẻ Việt Nam về mạng lưới, cách quản lý, tổ chức nguồn hàng, tổ chức dịch vụ… Theo đó, các nhà bán lẻ nội địa như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Bách hóa Xanh, Winmart/ Winmart+, Satra, Hapro… đã từng bước đặt nền móng, giúp thị trường phát triển theo hướng hiện đại, góp phần thúc đẩy tổng mức lưu chuyển hàng hóa thị trường bán lẻ Việt Nam tăng nhanh.

Tuy vậy, khi thị trường thu hút càng nhiều doanh nghiệp tham gia thì mức độ cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn. Theo đó, thị trường đã chứng kiến nhiều tên tuổi cả nội lẫn ngoại phải rời cuộc chơi. Mới đây nhất là Công ty TNHH Parkson Việt Nam đã đệ đơn xin phá sản tự nguyện và sẽ rời Việt Nam sau 18 năm gắn bó. Trước đó, năm 2016, Hãng phân phối Casino Group (Pháp) đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group; Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) tại Việt Nam, sau đó đổi tên thành Mega Market Việt Nam; hay Auchan (Pháp) cũng bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Saigon Co.op…

Điều đáng mừng là trong cuộc đua khốc liệt này, các doanh nghiệp bán lẻ nội đã chứng tỏ được sức cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ, góp phần thay đổi cục diện của bán lẻ. Điển hình là Saigon Co.op đang cho thấy bản lĩnh của hệ thống bán lẻ thuần Việt khi phát triển được hơn 800 điểm bán với 10 mô hình bán lẻ khác nhau từ siêu thị, đại siêu thị đến cửa hàng chuyên doanh, chuyên biệt cũng như kênh bán hàng qua thương mại điện tử. Từ đó giúp nhà bán lẻ này trở thành nơi mua sắm tin cậy của hàng triệu người tiêu dùng Việt khắp cả nước.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, Saigon Co.op đã đi sâu tìm hiểu sở thích, nhu cầu của khách hàng từng vùng miền, từ đó đa dạng hóa mô hình kinh doanh, chủng loại sản phẩm, tăng tiện ích dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Cùng đó, trước làn sóng kỹ thuật số đang bùng nổ, Saigon Co.op cũng tạo cho khách hàng trải nghiệm mua sắm dễ dàng như: khách hàng trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng vật lý sẽ có cơ hội tận hưởng những giá trị cộng thêm từ cửa hàng trực tuyến.

Đồng thời, Saigon Co.op còn tăng cường hợp tác với các đơn vị thanh toán để giúp khách hàng thanh toán đơn giản, tiện lợi hơn. Cuối năm 2022, Saigon Co.op bắt tay với Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) triển khai thanh toán điện tử trên toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Mới đây nhất, ngày 8-5, Saigon Co.op và UrBox đã ký kết hợp tác chiến lược trong việc triển khai số hóa phiếu mua hàng của Co.opmart. Theo đó, Saigon Co.op và UrBox sẽ phối hợp ra mắt phiếu mua hàng điện tử Co.opmart (E-Voucher) nhằm thực hiện số hóa trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Trước mắt, dự kiến từ ngày 15-5, E-Voucher sẽ được phân phối trên các nền tảng của UrBox, bao gồm ứng dụng UrBox trên điện thoại di động (UrBox App), và mạng lưới hơn 200 chương trình quà tặng thực hiện tại các khách hàng doanh nghiệp của UrBox.

“Saigon Co.op đang thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong chăm sóc khách hàng, thông qua chiến lược sử dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, cũng như cập nhật gần như tất cả công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt đang có trên thị trường. Từ năm 2022, Saigon Co.op bắt tay thực hiện số hóa phiếu mua hàng in giấy truyền thống trở thành phiếu mua hàng điện tử (E-Voucher). Và nay, Saigon Co.op phối hợp với UrBox để tiếp tục số hóa phiếu quà tặng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đa dạng hóa các chương trình khuyến mãi, giúp khách hàng có thể trải nghiệm mua sắm tốt nhất ở những hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op”, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục