Bạn tìm hạnh phúc ở đâu?

Năm tôi học lớp 8, nhân dịp sinh nhật, cô bạn thân gửi đến tấm thiệp với lời chúc: “Chúc bạn hạnh phúc!”.
Hạnh phúc giản dị và bền vững. Ảnh: CA DAO
Hạnh phúc giản dị và bền vững. Ảnh: CA DAO

Và bạn trích câu nói nổi tiếng quen thuộc mà thú thực đến giờ tôi cũng không biết của ai: “Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương và điều gì đó để hy vọng”. Ở tuổi cấp hai, câu nói ấy có lẽ quá lý thuyết. Nhưng sau thời gian đủ rộng đủ dài, tôi chợt thấy hạnh phúc đúng là bắt nguồn từ những điều gần gũi như thế.

1. Thi thoảng tôi mua những món đồ thủ công bằng tay từ một tiệm may, thêu có tên khá lạ: Hoa bay bay. Chủ tiệm ấy là một cô bạn nhỏ, ít hơn tôi vài tuổi. Mấy năm trước, chồng em mất đi để lại vợ trẻ con thơ. Cô bạn ấy trong những ngày đau buồn, nghiệt ngã nhất của cuộc đời, một hôm nhìn thấy con gái chơi chụp bắt với những bông hoa nhỏ vừa lìa cành bay bay trong gió.

“Mẹ ơi, bông bay bay nè!” - Là cô bé con mắt trong veo ấy cười khanh khách gọi mẹ khi chơi cùng những đóa hoa nhỏ bay bay. Cô bé và tiếng cười, ánh mắt thức tỉnh người mẹ trẻ, làm chỗ dựa tinh thần để người mẹ trẻ bước tiếp.

Cô bạn thu xếp lại công việc, chọn việc mở bán những đồ thủ công may vá hợp sức mình, có thể chủ động được thời gian chăm sóc con. Một lần đi công tác ở Nha Trang, tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của cô. Tôi nhìn những túi, khăn tay được thêu những bông hoa bé xíu và cảm nhận được niềm vui nhẹ nhàng len trong từng món đồ nhỏ. Căn nhà nhỏ của người mẹ trẻ và cô bé tuổi lên năm lên bảy tươi tắn những sắc màu hạnh phúc mà họ chọn thêu cho cuộc đời mình, theo cách của mình.

2. Một trong những người bạn mà tôi ngưỡng mộ là nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Cô vừa nhận giải “Nhà văn nữ ấn tượng” của Hội Nhà văn Việt Nam vì những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, sống một cuộc đời thật đẹp cùng văn chương.

Hôm nọ trò chuyện, Hòa kể, bạn hoàn toàn hài lòng với chính mình ở thời điểm hiện tại. Năm 18, 20 tuổi, khi Hòa hỏi một người anh rằng: “Hạnh phúc là gì?”, anh trả lời: “Hạnh phúc là bằng lòng với những gì em đang có”. Lúc đó, Hòa nghĩ anh nói đùa. Vì bạn nghĩ, hạnh phúc phải là thứ gì đó cao xa hơn. Phải là những gì chúng ta muốn vươn tới và đạt được, không thể nào là những thứ đơn giản, bình thường mà chúng ta có trong tầm tay, trong cuộc sống hàng ngày.

Có thể nói, bây giờ, Hòa là người hạnh phúc. Hòa hạnh phúc khi được sống với những trang viết hàng ngày, hạnh phúc vì được sống trong gia đình ấm áp, được gặp những học trò nhỏ của mình, được lắng nghe những câu chuyện của các em, được sống cùng các em và được cùng lớn các em lớn lên. Hạnh phúc nhiều lúc đơn giản chỉ là vậy thôi. Và tôi có lẽ cũng như nhiều độc giả thích đọc những trang văn của Hòa vì luôn cảm nhận được những niềm vui, sự ấm áp của một người mang tâm hồn hạnh phúc viết ra.

3. Tôi có một người bạn khác, cũng từng trải qua cơn sốt bại liệt như Kim Hòa ngày bé là Nam. Bạn là một kỹ sư tin học từng đoạt giài thưởng Hiệp sĩ Công nghệ thông tin. Nam và nhóm bạn của mình từng được Google mời sang Anh làm việc nhưng bạn từ chối. Cậu bạn như con ong trong công việc nhưng vẫn luôn dành thời gian cho đam mê thổi sáo. Có lần ghé nhà Nam chơi, hai cậu con trai đứa vẽ, đứa đánh đàn, cậu bạn tôi lấy sáo ra thổi tặng khách. Cô vợ nhìn chồng bằng ánh mắt đầy sự yêu thương và tự hào - tôi có thể đọc rất rõ ánh mắt ấy khi cô bạn nhìn chồng mình. Lại có lần, xe ba bánh của họ ghé nhà tôi chơi. Lúc đứng tiễn khách về, tôi mỉm cười theo khi nghe giọng rộn ràng của hai đứa nhỏ và bố mẹ trên chiếc xe ba bánh đang hòa vào lòng phố thị nhộn nhịp.

Và với những người bạn như thế, tôi thấy may mắn và hạnh phúc khi được làm bạn cùng họ. Để khi mình bị ngã ở đâu đó, chợt nhớ đến mà mạnh mẽ hơn.

4. Hôm nọ, bạn kể, đi viết bài về hai vợ chồng lao động nghèo trong khu trọ công nhân chật vật sau những năm dịch giã. Anh chồng rót nước, kêu ngồi đợi anh đẽo một khúc gỗ nhỏ để chêm vào lối dẫn xe lên xuống căn phòng trọ nhỏ. Vì sắp đến giờ vợ tan ca, nhỡ vợ tay yếu, dắt xe lên bị mất thăng bằng, lỡ té. Bạn thấy hạnh phúc trong cử chỉ và nỗi lo, nụ cười của anh chồng ấy.

Và rồi khi người vợ về, dắt xe vào nhà. Anh chồng đưa cho vợ ly nước, lấy cho vợ cái khăn lau mặt. Chị vợ bảo mới mua được mớ tép đồng tươi đúng như anh thích đây. Trời ơi, hành động nhỏ thôi mà bạn tôi cay mắt, cảm thấy xúc động hơn cả phim ngôn tình. Bạn chợt có chút chạnh lòng khi nghĩ đã lâu nhà mình thiếu hụt cái gì, mình phải tự lo lấy. Không lo được thì gọi thợ. Vợ chồng bạn tôi sống cảnh gối lạnh khi bao năm nay chồng chỉ về nhà khi đã nửa đêm, chẳng bao giờ biết vợ thích gì, sợ gì, thậm chí vợ ốm đau gì cũng như việc của ai đó.

Những người như anh chồng chị vợ công nhân nghèo bạn tôi kể, có lẽ khái niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 chưa bao giờ và không bao giờ cần quan tâm trong cuộc đời họ. Nhưng nào có hề gì, khi hạnh phúc vẫn ở bên họ và lan tỏa hương vị giản dị ấy sang cả người dưng như bạn, như tôi.

Tin cùng chuyên mục