Sáng 21-6, tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 _ 21-6-2018) và trao thưởng Giải báo chí TPHCM lần thứ 36.
Đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đại diện lãnh đạo các sở ngành thành phố, Hội Nhà báo TPHCM, các nhà báo lão thành và cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí TPHCM đã tham dự buổi lễ.
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Mã Diệu Cương phát biểu ôn lại chặng đường lớn mạnh của báo chí cách mạng Việt Nam 93 năm qua, trong đó có báo chí TPHCM. Báo chí cách mạng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tư tưởng, văn hóa, đã tích cực tham gia và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt của đất nước và TPHCM. Để có được những thành tựu to lớn này trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người làm báo luôn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Thân Thị Thư biểu dương và đánh giá cao đội ngũ những người làm báo của nhiều thế hệ nhà báo, đã có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của cả nước và TPHCM. Báo chí không chỉ giới thiệu, phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương gương người tốt việc tốt, mà còn tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường để phát triển TP. Với hơn 1.800 nhà báo công tác tại 38 cơ quan báo chí đã có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, tạo được hiệu quả xã hội tốt, thể hiện sự trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo.
Đồng chí Thân Thị Thư tin tưởng đội ngũ những người làm báo luôn đứng vững trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, tiếp tục khẳng định vai trò và sự tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của cả nước và TPHCM.
Với chủ đề xuyên suốt, TPHCM - Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình, Giải báo chí TPHCM lần thứ 36 có gần 300 tác phẩm báo chí gửi về dự thi. Đó chính là tâm huyết, sức lực, kết quả của quá trình sáng tạo, nỗ lực không ngừng của những người làm báo trong năm qua.
Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 129 tác phẩm tiêu biểu của 5 nhóm thể loại báo chí. Hội đồng chung khảo đã tuyển chọn, quyết định trao 66 giải thưởng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, trong đó có 5 giải nhất, 15 giải nhì, 21 giải ba và 25 giải khuyến khích.
Các tác phẩm đoạt giải đã đi sâu phản ánh thực tế cuộc sống, quá trình xây dựng và phát triển TP và đất nước, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ và lãnh đạo TPHCM; đồng thời biểu dương những nhân tố mới đã có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong đó, Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt được 8 giải thưởng, trong đó có 1 giải nhất, 4 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích.
- Ở nhóm 1 (Tin, ảnh báo chí), phóng sự ảnh Lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng của tác giả Đỗ Việt Dũng đạt giải Nhì và phóng sự ảnhThành phố nghĩa tình của tác giả Trần Thế Phong đạt giải Ba.
- Ở nhóm 2 (Chính luận), loạt bài viết về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM của nhóm tác giả Yên Lam, Đỗ Trà Giang đoạt giải Nhất.
- Ở nhóm 3 (Phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí), bài viết Cảnh báo đa cấp tài chính qua mạng của tác giả Đỗ Linh, Yên Lam đoạt giả Nhì, loạt bài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Những việc làm thiết thực của tác giả Phạm Hoài Nam đoạt giải Ba, loạt bài Vui - buồn văn hóa cơ sở của tác giả Bùi Thị Thu Hường, Nguyễn Thị Kim Loan đoạt giải Khuyến khích.
- Ở nhóm 4 (Phỏng vấn, tường thuật), bài Tạo bước đột phá đưa TPHCM phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực của tác giả Nguyễn Khắc Văn đoạt giải Nhì.
- Ở nhóm 5 (Công trình tập thể), chuyên trang Cơ chế đặc thù - động lực thúc đẩy TPHCM phát triển đoạt giải Nhì.