Ngày 2-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên họp thường kỳ tháng 11-2013. Tại phiên họp này, Chính phủ khẳng định tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra; bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán; tăng cường chống thất thu, triệt để thực hành tiết kiệm.
Không để hàng hóa tăng giá đột biến
Theo thông tin từ phiên họp, tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng của năm 2013 có dấu hiệu khả quan hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 tăng 0,34% và 11 tháng tăng 5,5%, là mức tăng thấp trong 10 năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, tháng sau tăng cao hơn tháng trước, xuất khẩu tăng 16,2%... Những con số này cho thấy bức tranh chung của nền kinh tế bắt đầu khởi sắc.
Các thành viên Chính phủ cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong những tháng tới; tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; tổng cầu và sức mua còn yếu. Vì vậy, cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, bởi đây là thời điểm dễ xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại tháng 11 và 11 tháng của năm 2013, kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn của năm 2012 và duy trì tăng trưởng khoảng 5,4% là có thể thực hiện được.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên định, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để hàng hóa tăng giá đột biến, nhất là hàng nông sản, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó là quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung tăng cường chống thất thu, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phấn đấu hoàn thành kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2013 theo dự toán đã được duyệt.
Liên quan đến các công trình, dự án thủy điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương kiểm tra lại và báo cáo cụ thể về an toàn hồ đập của 268 thủy điện đang vận hành; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác trồng lại rừng, tái định cư các dự án thủy điện cũng như sớm xây dựng quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa; quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với 205 thủy điện đang xây dựng và 348 thủy điện nằm trong quy hoạch.
Tích cực khắc phục hậu quả bão lũ
Tại phiên họp báo Chính phủ, lần đầu tiên tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết lần đầu tiên thực thi chức vụ Người phát ngôn của Chính phủ, chưa có kinh nghiệm chuyển tải thông tin từ Chính phủ đến báo chí, nên ông cho hay “chỉ biết thật lòng chia sẻ”. Từng tâm sự là người hành động, ít dùng lời nói, ông Nên chia sẻ thêm tại cuộc họp báo: “Cá nhân tôi, hành động đơn giản nghĩa là làm thôi. Những gì phải nói là nói và nói kịp thời, nói đúng tinh thần chỉ đạo. Còn khi hành động thì phải thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình được giao”.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Nên cho biết thiệt hại do bão lũ vừa qua là khoảng 28.000 tỷ đồng. “Tiềm năng thủy điện và hồ chứa nước của chúng ta cần được khai thác. Nhiều nước không có tiềm năng này, nếu chúng ta làm ra được thì sẽ tạo ra nguồn năng lượng mạnh. Chúng ta không nên vì có hạn chế trong phát thủy điện mà bỏ qua tiềm năng này. Nhưng phải khẳng định là khi khai thác tiềm năng thủy điện không được ảnh hưởng thiệt hại đến sự an toàn của người dân. Làm sao để những hồ đã làm xong cần có kịch bản cụ thể, trách nhiệm rõ ràng mùa mưa thì phải làm gì, bão thì ra sao, chứ không thể vì lợi ích của riêng cái hồ mà gây thiệt hại đến sự an toàn của người dân”, ông Nên chia sẻ về vấn đề thủy điện.
Đồng thời, tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, cần để người dân giám sát vấn đề này. Vì nếu làm không chặt chẽ, thiếu trách nhiệm hoặc có gì tắc trách thì những thiệt hại đó không thể lường hết được.
Nói thêm về vấn đề hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ vừa qua, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, 10 tỉnh thiệt hại liên quan đến các khoản vay là khoảng 1.500 tỷ đồng. Hiện nay ngân hàng đã cơ cấu lại nợ 300 tỷ đồng, miễn giảm lãi với các khoản nợ bị thiệt hại, khoanh nợ trên 200 tỷ đồng. Đồng thời các ngân hàng thương mại đã triển khai cho vay mới để khắc phục tình trạng, tổ chức lại sản xuất, đời sống. Tới đây, ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát để xử lý các khoản vay phù hợp cho người dân.
PHAN THẢO