Quốc hội thảo luận Dự án Luật Thi hành án dân sự

Bảo đảm quyền hợp pháp của đương sự

Xung quanh Dự án Luật Thi hành án dân sự (THADS - được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp Quốc hội (QH) ngày 23-5), các ĐBQH đặc biệt lưu ý đến mục tiêu giải tỏa án tồn đọng, không thi hành được, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đối tượng có tài sản phải thi hành án.

Trao thêm quyền cho chấp hành viên

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật THADS do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Thu Ba trình bày cơ bản tán thành những quy định trong dự án luật theo hướng bổ sung một số biện pháp bảo đảm thi hành án, theo đó chấp hành viên có quyền chủ động (hoặc theo yêu cầu của đương sự) áp dụng một số biện pháp như phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, tạm dừng việc chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

Về thẩm quyền ra quyết định thi hành án, báo cáo thẩm tra đồng thuận với quy định theo hướng giao cho tòa án ra quyết định thi hành án để khắc phục sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án – một nguyên nhân quan trọng dẫn đến án tồn đọng, gây khiếu kiện bức xúc.

Phát biểu tại hội trường, nhiều ĐBQH đặc biệt lưu ý đến việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của đối tượng bị thi hành án. Từ quan điểm này, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng: “Nếu không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật thì việc thi hành án không những không hiệu quả mà còn có thể xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể”.

ĐB đề nghị nên quy định theo hướng (trong trường hợp thực sự cần thiết) chỉ phong tỏa số tiền có trong tài khoản tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành. Biện pháp tạm dừng chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản cũng sẽ hạn chế rất lớn quyền của người có tài sản, có thể dẫn đến lãng phí tài sản xã hội, vì vậy, cần quy định rõ về thời hạn áp dụng; việc xử lý tiếp theo sau khi thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án cũng như trách nhiệm của chấp hành viên đối với các quyết định được áp dụng.

Xã hội hóa THADS: nên làm, nhưng cần thận trọng

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH là vấn đề xã hội hóa hoạt động thi hành án. Đa số ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 48, 49 của Bộ Chính trị về xã hội hóa hoạt động THADS vào dự án luật là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hoàn toàn mới nên cần phải được nghiên cứu và có bước đi phù hợp.

Theo ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang), cần phải làm rõ thế nào là “xã hội hóa”, mục đích là gì, tổ chức thực hiện như thế nào cần phải cân nhắc, thận trọng. ĐB Điểu K’Ré (Đắc Nông) cho rằng không nên mở rộng phạm vi xã hội hóa thi hành án mà cần có lộ trình, tránh xã hội hóa tràn lan. “Chính phủ cần có quy định chặt chẽ về những điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy phép hành nghề thi hành án”, ông nói. ĐB Trần Thị Hồng (Hà Nam) cho rằng, trước mắt cần tổ chức thực hiện thí điểm xã hội hóa THADS sau đó đánh giá kết quả để có căn cứ đưa vào luật.

Tuy nhiên, ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) bày tỏ sự băn khoăn khi triển khai xã hội hóa công tác thi hành án. Theo ĐB, dù có nói thi hành án là hoạt động tư pháp hay hành chính tư pháp thì đó vẫn là quyền lực nhà nước. Vậy quyền lực nhà nước có nên giao cho người dân thực hiện hay không. Theo dự án luật, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp phép hành nghề. “Thực thi quyền lực nhà nước mà coi là một nghề thì rất khó hiểu.

Bản thân tôi thấy sẽ nảy sinh nhiều phức tạp” – ông nói. ĐB Hoàng Văn Em (Quảng Trị) cũng cho rằng, công tác thi hành án là thực hiện một quyền lực nhà nước. Vì vậy, cần cân nhắc thận trọng trong việc này, nếu chuyển giao cho một cơ quan, một tổ chức khác, một cá nhân khác không hiện quyền lực nhà nước thì khó thực hiện được, cần có một quá trình nghiên cứu, có thể tổ chức thí điểm ở một vài địa phương. 

A.PHƯƠNG – V.LAN

Tin cùng chuyên mục