(SGGP). – Đảm bảo tính chủ động, khách quan, trung thực cho hoạt động thanh tra, đồng thời đảm bảo những kết luận thanh tra được thực thi nghiêm túc – đó là những nguyên tắc hàng đầu khi sửa đổi Luật Thanh tra. Quan điểm này được đa số thành viên UBTVQH bày tỏ tại phiên họp UBTVQH sáng qua 26-7.
Tham dự phiên họp, ông Lê Mạnh Luân, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra luật tham khảo cách làm của Trung Quốc. Ở quốc gia này, các đoàn thanh tra đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, với sự tham gia của Bộ giám sát, nếu thanh tra phát hiện ra các sai phạm thì các kết luận thanh tra sẽ được thực hiện ngay.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, dự thảo Luật Thanh tra vẫn đảm bảo tính độc lập tương đối cho lực lượng thanh tra hoạt động. Tuy nhiên, ông Trần Đức Lượng cũng công nhận, địa vị pháp lý và quyền hạn của hệ thống cơ quan thanh tra còn có những khúc mắc cơ bản cần tháo gỡ, nhất là khi tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành. Khâu “hậu giám sát” sau thanh tra để đảm bảo các kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm túc cũng chưa được quy định chặt chẽ trong luật, “ban soạn thảo sẽ tính toán để đưa thêm các quy định ràng buộc”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cam kết.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình QH xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 8.
A.PHƯƠNG