Chạy trường

Bao giờ chấm dứt?

Bao giờ chấm dứt?

Học kỳ 2 của năm học 2004 - 2005 mới bắt đầu, thế mà cũng đã khởi động ngầm cuộc chạy trường cho năm học 2005 - 2006 sắp tới trong giới phụ huynh. Quả thật, việc chạy trường vào các lớp đầu cấp luôn là vấn đề “thời sự” của dư luận xã hội mỗi đầu năm học mới. Bỏ thi tiểu học, cơ chế tuyển vào lớp 6 ra sao? Còn hay không 4 nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10? Vì sao lớp 1 thu nhận hết học sinh vào học mà vẫn diễn ra cảnh chạy trường, các phụ huynh phải xếp hàng từ 5 - 6 giờ sáng để mua hồ sơ?... Chúng tôi đã mang những thắc mắc trên của phụ huynh đặt lên bàn Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh.

  • Chạy trường “xịn” lớp 1 - Giấc mơ của những “nhà giàu mới”!
Bao giờ chấm dứt? ảnh 1

Phụ huynh học sinh xem danh sách trúng tuyển vào Trường THPT Lê Hồng Phong Q5 năm học 2004-2005.

- Thưa giám đốc, ông có biết, mới giờ này đã bắt đầu cuộc gởi gắm âm thầm của một số phụ huynh để hy vọng “xí” được cho con em mình một chỗ học tốt ở lớp 1 cho năm học 2005 - 2006 sắp tới?

- Quả thật đây là chuyện khá phức tạp của ngành vào mỗi dịp đầu năm. Chúng tôi có đủ trường lớp để đón tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường. Thậm chí đến nay, ở bậc tiểu học chúng tôi đã có 70% học sinh được học 2 buổi ngày. Và điều quan trọng nhất là sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường tiểu học không lớn. Có lẽ chỉ có thể lý giải là do yếu tố tâm lý của phụ huynh.

- Chúng tôi cũng được nghe lý giải của hiệu trưởng và giáo viên một số trường về vấn đề chạy trường như sau: đời sống người dân TP ngày một khá lên, qua đó xuất hiện một tầng lớp “nhà giàu mới”, họ sẽ mọi cách tìm đường cho con vào một số trường gọi là có tiếng. Và như vậy chuyện chạy trường chủ yếu để “làm sang” cho cha mẹ hơn là vì chuyện học của con. Ông có đồng tình với ý kiến này?

- Có thể là vậy, nhưng không phải là tất cả. Vì các trường được coi là tiếng tăm trước đây như Đinh Tiên Hoàng, Hòa Bình của quận 1, bây giờ có hàng loạt trường khác như Kết Đoàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo… ở quận 3 không chỉ là Nguyễn Thái Sơn mà còn có Lương Định Của, Trần Quốc Thảo…

Trên địa bàn thành phố không chỉ có các quận trung tâm mới có trường tốt, trường Bông Sao ở quận 8 không dễ có trường ở trung tâm bì kịp. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao nhất trong 2 năm qua, không phải ở nội thành mà là Nhà Bè. Các cháu học ở những trường theo sự phân tuyến của quận huyện thì sĩ số một lớp chỉ có 35 học sinh. Còn cứ căng thẳng chạy cho con em vào trường khác tuyến thì phải chịu cảnh 40 - 50 học sinh một lớp, làm sao có chất lượng được.

- Theo dõi của chúng tôi đối với các em học sinh tiểu học nổi tiếng như Nguyễn Quốc Nam Anh, hay nhóm học sinh được giải quốc tế ở bậc tiểu học lại không xuất thân từ những trường gọi là có tiếng ở trung tâm thành phố. Vậy ông có biện pháp nào để giải thích cho các phụ huynh an tâm đưa con về địa phương học tập, khi hiện tượng chạy trường ngày càng lên tới cao trào? Rõ ràng còn yếu tố tâm lý khác là, phụ huynh chưa an tâm lắm với chất lượng giáo dục nên chạy lung tung!?

- Chúng tôi kêu gọi sự cân nhắc đầy đủ của phụ huynh. Vì chất lượng trường tiểu học giữa các quận vài năm nay không có sự chênh lệch nhiều. Không có trường nào tất cả GV đều giỏi và cũng không trường nào GV đều dở. Vấn đề quan trọng nhất là trường gần nhà, nhất là HS tiểu học.

  • Tuyển sinh vào lớp 6: tiêu chuẩn nào vào trường công lập?
Bao giờ chấm dứt? ảnh 2

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa Q1, một ngôi trường có rất nhiều phụ huynh muốn con được vào học.

- Hiện nay điều băn khoăn nhất của các phụ huynh có con đang học lớp 5 và là chuẩn thí sinh vào lớp 6 năm học 2005 - 2006 sắp tới là: con họ sẽ được tuyển vào lớp 6 theo phương thức nào, để có sự chuẩn bị việc học cho con em một cách thích hợp?

- Sở GD-ĐT hiện nay đang chờ công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, vì vấn đề tuyển sinh là vấn đề nhạy cảm của xã hội, nên Ban Giám đốc Sở vừa mới họp bàn bạc phương án tuyển sinh các cấp học phổ thông, để làm tờ trình lên UBNDTP xem xét. Chúng tôi cố gắng càng ổn định càng tốt. Và cụ thể kỳ tuyển sinh vào lớp 6 sắp tới, hướng là: dùng kết quả lớp 5 để tuyển vào lớp 6. Căn cứ chủ yếu là điểm số ghi trong học bạ.

- Như vậy, liệu rằng có diễn ra tình trạng: thầy cô vì thương học sinh – chúng tôi xin nhấn mạnh là “thương”, chứ không đặt vấn đề chạy theo thành tích – mà cho điểm rộng rãi để HS của mình có nhiều cơ hội vào trường công hơn hay không? Và sự mất công bằng sẽ diễn ra giữa HS lớp này, lớp khác; giữa trường này trường khác và quận này với quận khác. Bài học nhãn tiền cũng đã có: trước đây, sau khi Bộ tuyên bố HS giỏi được tuyển thẳng ĐH, thế là các địa phương “sản sinh” ồ ạt HS giỏi!?

- Sau Tết, Sở tiến hành đợt tập huấn cho GV lớp 5 và đặt ra những quy định để chế tài những trường hợp đánh giá không chính xác.

- Giám đốc có thể công bố cho phụ huynh biết các phương thức chế tài tình trạng “lạm phát” học sinh giỏi không thực chất ở lớp 5?

- Tập trung 3 việc cần làm của ngành: một là, tập huấn cho thầy cô giáo để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ đánh giá của người thầy. Hai là, về mặt quản lý ngành, phải tạo ra một cơ chế kiểm soát việc đánh giá, có đề kiểm tra chung. Ngoài ra, còn tham khảo kết quả học tập của lớp sau để đánh giá việc dạy của lớp trước. Ba là, về đánh giá thi đua, chúng tôi không máy móc tính vào tỷ lệ tốt nghiệp, mà còn tính cả đến chất lượng học sinh đầu vào. Nếu không sẽ thiệt thòi cho GV phải dạy trúng những lớp học trình độ kém.

- Thưa ông, chúng tôi thấy mơ hồ quá trong việc “lấy kết quả học tập của lớp sau đánh giá GV lớp trước”. Bởi, khi HS lớp 5 lên lớp 6, đã chuyển hẳn một chương trình và phương thức học mới. Do đó việc lấy điểm học tập lớp 6 để đánh giá GV lớp 5 là hơi khiên cưỡng. Mặt khác, ai sẽ là làm công việc đánh giá từng GV theo phương thức này. Trường cấp 2 không có nhiệm vụ đánh giá thầy tiểu học. Còn trường tiểu học, thì hết lớp 5 học sinh như chim trời bay khắp bốn phương, biết đâu mà tìm?

- Giữa tiểu học và trung học có sự liên thông trong địa bàn quận huyện. Phòng GD-ĐT là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm tại địa phương, nếu phòng không thực hiện cơ chế kiểm tra đánh giá thống nhất giữa các trường trong địa bàn, việc tuyển sinh lớp 6 sẽ trở nên khó khăn, không những không công bằng mà còn phá vỡ hệ thống chất lượng của đơn vị. Việc tham khảo trình độ HS ở lớp sau để đánh giá GV lớp trước là một biện pháp phụ trợ, nhưng có hiệu quả không ít so với đặc điểm của thầy cô giáo. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển trong quản lý thì việc tham khảo nói trên không phải là khó khăn.

  • Tuyển sinh lớp 10: vẫn còn 4 nguyện vọng!

- Như thường lệ mọi năm, nay cũng gần tới thời điểm các em ghi 4 nguyện vọng để tham dự kỳ tuyển sinh lớp 10, ông có thể cho biết tuyển sinh lớp 10 năm học tới có thay đổi?

- Ổn định, nếu chưa có phương thức nào khác nhiều ưu điểm hơn. Vì 10 năm qua phương thức tuyển sinh theo 4 nguyện vọng đã đi vào nền nếp.

- Giám đốc tin rằng “ổn định”?

- Chúng tôi đang chọn lấy phương án tối ưu và kinh nghiệm cho thấy đây là phương án ổn định nhất.

- Ông có thấy cảnh phụ huynh xếp hàng năn nỉ ỉ ôi ở các trường và vào mùa tuyển sinh nào báo chí cũng “ hao hơi tốn giấy”phản ảnh các nỗi khổ chạy trường.

- Tôi có thời gian khá dài được phân công giải quyết vấn đề này (qua 6 kỳ tuyển sinh), số phụ huynh đến sở trong mùa tuyển sinh không đến số trăm so với trên 60 ngàn HS dự tuyển. Cũng cần nói thêm, nội dung phụ huynh đến sở chủ yếu là xin tư vấn chỗ học, vì không đủ điểm chuẩn vào trường công lập hay bán công.

- Chúng tôi có nghe giám đốc nói về phương án tuyển sinh theo địa bàn?

° Đó là một phương án tốt, nhưng phải đảm bảo 2 điều kiện cơ bản: số lượng trường lớp phải đủ cho HS ở các địa phương theo quy hoạch mạng lưới trường lớp; hai là vấn đề cung cấp thông tin và tâm lý chọn trường đổ dồn về trung tâm của phụ huynh phải có thời gian giải quyết. Chính vì thế mà kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay chưa thực hiện theo địa bàn.

- Xin cám ơn giám đốc.

MAI LAN

Tin cùng chuyên mục