Bao giờ hết cảnh thiếu thuốc?

Tình trạng thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm nay đã liên tục được các sở y tế tỉnh, thành trong cả nước cảnh báo, thế nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.

Đặc biệt là vaccine nhập khẩu 5 trong 1 (DPT-VGB-HiB, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib, viêm màng não mủ do Hib) sau khi thất bại trong đấu thầu tập trung năm 2022 do không có nhà thầu tham gia, vaccine này đã hết dự trữ từ tháng 2-2023. Các bậc phụ huynh rất lo lắng vì không phải ai cũng có điều kiện tiêm vaccine dịch vụ.

Điều làm tôi băn khoăn là cách xử lý của Bộ Y tế. Thay vì tìm cách giải quyết nguyên nhân các nhà thầu không tham gia, kịp thời chuyển sang đàm phán giá thì Bộ Y tế lại có Công văn 1810/BYT-KH-TC ngày 3-4-2023 yêu cầu các địa phương tự đấu thầu. Giải pháp này không phải là giải pháp, thậm chí còn... báo trước thất bại (các nhà thầu đã không tham gia gói thầu quốc gia thì họ làm sao đồng ý xé lẻ để tham gia 63 gói thầu ở tỉnh, thành). Chưa kể hàng loạt các rắc rối khác vì năng lực của các địa phương còn hạn chế, các khó khăn về bảo quản vaccine, các vấn đề phát sinh nếu vaccine trúng thầu khác nhau giữa các tỉnh.

Ngày 11-5-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo, yêu cầu Bộ Y tế là đầu mối, chủ trì tổ chức việc đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung (tức là làm như những năm trước). Tại các phiên thảo luận ở kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, một số đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Bộ Y tế giải trình về việc thực hiện chỉ đạo này như thế nào, bao giờ cung ứng đủ vaccine cho TCMR? Bởi đến giờ này, Bộ Y tế chưa có văn bản điều chỉnh hay thu hồi Công văn 1810/BYT-KH-TC đề nghị địa phương tự triển khai mua sắm thuốc, vaccine phục vụ TCMR và phòng chống dịch bệnh; các địa phương chưa biết làm thế nào trong khi tình trạng thiếu vaccine đã hiển hiện.

Nhiều cử tri hỏi: Tại sao bây giờ mới thiếu? Tôi nghĩ nên hỏi rõ là: Bộ Y tế đã có đánh giá, lựa chọn phương thức tối ưu chưa? Sau các chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ Y tế mới trình bày chi tiết về các vướng mắc khi mua vaccine nhập khẩu và đề xuất năm nay sẽ đàm phán giá. Nếu Bộ Y tế làm điều đó ngay sau khi thất bại trong đấu thầu tập trung năm 2022 thì bây giờ đâu thiếu vaccine.

Về đặt hàng vaccine sản xuất trong nước, có 2 phương án: một là, sửa các thông tư Bộ Tài chính (sẽ mất thời gian hơn); hai là, xin Chính phủ ra nghị quyết (sẽ nhanh hơn) và lẽ ra nên được Bộ Y tế đề xuất từ lâu, thay vì đẩy việc mua sắm cho địa phương.

Bộ Y tế cần khẩn trương hơn trong việc tiến hành đàm phán, đặt hàng vaccine vì mỗi ngày trôi qua thì nguy cơ cho trẻ không kịp tiêm chủng càng lớn. Và không chỉ có vaccine TCMR, hiện nay dự trữ các thuốc hiếm để giải độc tố rắn cắn, giải độc Botulinum, Dextran dùng cho sốt xuất huyết, Immunoglobulin và Phenobarbital tiêm truyền dùng cho bệnh tay chân miệng phân độ nặng… cũng đang rất thiếu và cần mua sắm, dự trữ ở cấp độ quốc gia. Tất cả các vấn đề trên đang cần hành động cụ thể của Bộ Y tế!

Tin cùng chuyên mục