Vụ thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng: Cần chủ động đặt hàng nhà sản xuất

Ngày 23-5, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 và kế hoạch năm 2023 khu vực miền Nam.

Gián đoạn cung ứng vaccine

Bà Hoàng Ngọc Mai, Phó Trưởng Văn phòng giám đốc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, cho biết, trong năm 2022, Chương trình TCMR quốc gia và khu vực đã cung cấp khoảng 20 triệu liều vaccine trong TCMR tới các tỉnh, thành phố. Do đảm bảo được nguồn dự trữ từ năm 2021, các vaccine trong TCMR vẫn được cung ứng đầy đủ trong các tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, tình trạng cung ứng các vaccine chưa được kịp thời dẫn đến việc thiếu một số loại vaccine trên toàn quốc như sởi và DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ), sởi - rubella (MR), bại liệt (bOPV).

Trước tình trạng đó, Viện Vaccine và sinh phẩm y tế và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế đã tài trợ cho Chương trình TCMR 328.280 liều vaccine DPT và 200.000 liều vaccine sởi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng khoảng 1 tháng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine thuộc Chương trình TCMR cho trẻ

Nhân viên y tế tiêm vaccine thuộc Chương trình TCMR cho trẻ

Theo bà Hoàng Ngọc Mai, trong năm 2022, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong TCMR không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2021, khu vực phía Nam có 14 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng đạt dưới 80% như: Đồng Nai, Tiền Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang. Tỷ lệ tiêm vét của khu vực phía Nam cũng rất thấp, chỉ có 16/20 tỉnh thực hiện tiêm vét năm 2021 với 338.026 mũi và năm 2022 là 18 tỉnh với 123.498 mũi tiêm vào quý 1 năm 2023.

Trước thực trạng này, bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, cuối tháng 3-2023, đơn vị có đi giám sát một số địa phương và cho thấy, hầu hết các tỉnh đều hết vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-HiB (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib); một số vaccine còn rất ít, đủ sử dụng đến tháng 7 như: DPT, lao (BGT), uốn ván (VAT) và sởi rubella; vaccine bại liệt đủ sử dụng đến tháng 8. Chương trình TCMR đã gửi văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh, thành về việc dự trù vaccine về cho chương trình để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.

Bà Dương Thị Hồng cho biết, Bộ Y tế sẽ xây dựng khung giá đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 và các địa phương căn cứ vào nhu cầu sẽ thực hiện mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá.

Cần kế hoạch dài hơi

Theo ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế, hiện công ty đang sản xuất và cung ứng 4 loại vaccine, trong đó có 3 vaccine trong Chương trình TCMR gồm bại liệt (bOPV), sởi và sởi-rubella (MR).

Vừa qua, công ty nhận được văn bản của Bộ Y tế về lập phương án giá, trình bộ để phê duyệt; căn cứ vào giá đó, Chương trình TCMR quốc gia ký hợp đồng chung mua vaccine và các tỉnh dựa vào đó để đặt hàng cụ thể với nhà sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, công ty cần số lượng chính xác để quyết định giá vaccine và dự trù được nguyên vật liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Đăng Hiền cho biết, những vaccine mà công ty đang sản xuất và cung ứng trong Chương trình TCMR là những vaccine được sử dụng lâu dài, thường xuyên từ khi có chương trình TCMR. Những năm trước không xảy ra tình trạng thiếu vaccine do công ty cuối năm thường sản xuất dự trù cho các năm sau. Tuy nhiên, 2 năm qua có thay đổi từ phía Bộ Y tế nên dẫn tới việc cung ứng vaccine bị gián đoạn.

“Bây giờ, không thể yêu cầu chúng tôi có vaccine ngay vì cần phải chuẩn bị nguyên vật liệu, kế hoạch. Thậm chí mua nguyên vật liệu cũng cần có kế hoạch chính xác và phải có dự toán mua của những năm tiếp theo”, ông Hiền nói.

Ông Trần Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), bày tỏ mong muốn Nhà nước, Bộ Y tế và chương trình TCMR chủ động trong công tác đặt hàng để công ty kịp thời cung cấp các loại vaccine trong TCMR.

“Hiện chúng tôi có thể sản xuất đáp ứng trong năm, tuy nhiên còn phụ thuộc vào bộ và các tỉnh có kế hoạch sớm hay không. Mong Bộ Y tế và dự án có đơn đặt hàng sớm để chúng tôi có kế hoạch sản xuất sớm hơn”, ông Trần Thanh Hiếu chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục