
Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị tìm giải pháp kích cầu và tìm lối ra cho các làng nghề đang phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa, hàng triệu lao động mất việc làm.
Làng nghề kêu cứu
Số liệu mới nhất của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện đã có 9 làng nghề chính thức phá sản, 124 làng nghề đang sản xuất cầm chừng do gặp khó khăn (chiếm khoảng 10% tổng số các làng nghề). Tại các làng nghề bị phá sản, đã có ít nhất 2.166 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh bị phá sản, 468 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng.

Lao động ở làng nghề Đồng Kỵ ngồi chơi xơi nước. Ảnh: V.O.V
Chỉ riêng tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Từ Sơn-Bắc Ninh), mức thiệt hại do các doanh nghiệp phá sản đã lên tới 20 triệu USD. Còn ở làng nghề sản xuất giấy Phong Khê cũng thuộc Bắc Ninh, có tới 50% trong tổng số hơn 500 doanh nghiệp ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Các doanh nghiệp ở Đồng Kỵ đều cho biết, phần lớn gỗ mỹ nghệ được tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc và một phần sang Mỹ nhưng cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp chưa ký được một hợp đồng xuất khẩu nào. Còn ở làng nghề sản xuất sắt thép Đa Hội cũng đang tồn đọng vài trăm ngàn tấn.
Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, chỉ riêng 3 làng nghề Đa Hội, Đồng Kỵ, Phong Khê đã có hàng vạn lao động mất việc làm và có nguy cơ mất việc. Còn theo ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước đang có 2.790 làng nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động nhưng chỉ cần 10% các làng nghề đóng cửa là có ít nhất 1 triệu lao động mất việc làm.
Không dễ được “gói kích cầu”
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngân hàng đang và sẽ chỉ đạo điều chỉnh lãi suất cơ bản cho phù hợp. Hiện ngân hàng cũng đang triển khai, sẵn sàng vốn để hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có doanh nghiệp ở làng nghề. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh khả thi để được vay vốn. |
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT khẳng định, nếu nhà nước không thực hiện các giải pháp cấp bách để “kích cầu” cho làng nghề thì làng nghề lâm vào cảnh phá sản sẽ nhiều hơn và số lao động bị mất việc làm không dừng lại ở con số 5 triệu người.
Các chuyên gia đều cho rằng, để cứu làng nghề, cần phải thực hiện song song hai giải pháp là tìm thị trường để mở lối thoát cho các làng nghề và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làng nghề sớm được tiếp cận nguồn vốn vay thuộc chính sách kích cầu của Chính phủ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở làng nghề lại than thở rằng họ đang rất khó tiếp cận được nguồn vốn trên. Bởi theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, để vay được nguồn vốn ưu đãi với mức hỗ trợ lãi suất 4%, doanh nghiệp phải có đầy đủ điều kiện sản xuất kinh doanh và phải đảm bảo có lợi nhuận. Nhưng hiện nay, hầu như doanh nghiệp trong làng nghề đang có tổng dư nợ quá lớn. Theo thống kê, số dư nợ của các doanh nghiệp chiếm tới 50% tổng vốn đăng ký kinh doanh nên khi không thanh toán được lượng dư nợ, ngân hàng không thể cho vay vốn.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị Ngân hàng Nhà nước kịp thời chỉ đạo các ngân hàng NN-PTNT ở các địa phương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển hướng dẫn hệ thống ngân hàng địa phương xem xét cho các doanh nghiệp làng nghề vay vốn với mức lãi suất được hỗ trợ của Chính phủ.
VĂN PHÚC HẬU