Bỏ chương trình phân ban

Bao giờ?

Trong hai ngày 25 và 26-12, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị về tình hình thực hiện phân ban trung học phổ thông (THPT) tại Văn phòng Quốc hội (phía Nam). Tại hội nghị nhiều đại biểu đã nêu lên thực trạng bất cập của việc thí điểm phân ban THPT trong thời gian qua.

“Xé rào” để giảm gánh nặng SGK 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Ơn, tỉnh Bến Tre băn khoăn: “Về sách giáo khoa (SGK), Bộ GD-ĐT đã cho ban hành hai bộ sách (chuẩn và nâng cao) với độ chênh về kiến thức và kỹ năng khoảng 20%. Theo nhận định của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, SGK trong hai bộ có 8 môn vừa sức là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Sinh học, Giáo dục công dân, Thể dục.

Bốn môn còn lại là Toán, Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ là khó, khó nhất là hai môn Vật lý và Ngoại ngữ. Ông Thanh cho rằng, không nhất thiết phải tồn tại cùng lúc hai bộ sách, bởi có lúc đã làm rối lên nhiều việc như: sự thừa thiếu giả tạo SGK, tính liên thông của hai bộ sách…”.

Môn Ngoại ngữ trong SGK phân ban hiện nay khiến khá nhiều đại biểu bức xúc. Trong phát biểu về tình hình triển khai phân ban THPT sau hơn một năm ở tỉnh Cà Mau, TS Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau chỉ rõ: “Môn tiếng Anh với mục tiêu của SGK mới là dạy giao tiếp, đòi hỏi học sinh phải nắm vững bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Thế nhưng kiểm tra và thi chỉ chú trọng đến ngữ pháp, từ vựng dưới hình thức trắc nghiệm 100%. Học sinh (HS) không quan tâm tới phần nghe, nói, viết mà chỉ chú tâm vào làm bài tập ngữ pháp và phần đọc hiểu để đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Giáo viên (GV) cũng phân vân không biết dạy thế nào cho hợp lý”.

Trước việc SGK phân ban quá tải, GV chủ yếu dạy học theo yêu cầu HS ghi nhớ, học để vượt qua thi cử, chưa chú trọng yêu cầu vận dụng tri thức, sáng tạo và rèn luyện kỹ năng cho HS. Thậm chí, nhiều trường đã tự “xé rào” trong việc giảng dạy cho HS. Theo bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM), nhà trường đã tự “cứu” HS bằng cách đề nghị các tổ bộ môn thống nhất với nhau các kiến thức cần thiết cho từng đối tượng HS. Ở năm sau, những đối tượng HS trung bình, yếu nếu bắt buộc cho phần thi cử sẽ được các GV khối 12 “lấp chỗ trống”, hơn là để các em sa lầy trong quá nhiều kiến thức mà càng học càng không hiểu và thêm mất tự tin, chán nản.

Chuyển sang dạy học tự chọn: Bao giờ? 

Theo báo cáo về phân ban THPT, Bộ GD-ĐT xác định rằng tổ chức dạy học tự chọn trong các trường học là giải pháp thực hiện dạy học phân hóa triệt để nhất vì mang đến lựa chọn cho từng người học. Tuy vậy, dạy học tự chọn đòi hỏi rất nhiều điều kiện mà hiện nay chưa thể thực hiện được như phòng học, GV...

Vì thế, hiện nay chỉ có thể kết hợp phân ban với tự chọn, tiến tới chủ yếu bằng tự chọn khi có điều kiện. Theo lộ trình dự kiến, sau năm 2015 sẽ áp dụng giáo dục tự chọn. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB VHGDTTNNĐ cho rằng: “Chủ trương là kết hợp giữa phân ban với dạy học tự chọn nhưng thực chất là phân ban. Bộ GD-ĐT dự định đến năm 2015 mới chuyển sang dạy học tự chọn. Vậy có thể chuyển đổi nhanh hơn nữa được hay không?”.

Theo ông Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hiện nay hình thức phân ban chỉ còn ở một số ít nước thực hiện như Ghine, Angeri, Mali, Campuchia… Lý giải của người thiết kế chương trình phân ban là không thuyết phục, thậm chí gây hoang mang cho ngay cả người quản lý và trực tiếp giảng dạy, chưa nói đến người học.

Ông đề nghị nên bỏ chương trình phân ban để thiết kế và xây dựng một chương trình phổ thông vừa khoa học, vừa mang tính đặc trưng của Việt Nam nhưng lại vừa hội nhập được với các nước tiên tiến. Chương trình nếu không “phổ thông” được, không “bác học” được thì chí ít ra cũng phải “định hướng” được HS.

Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ GD-ĐT, Lê Quán Tần:
Cần có giải pháp đồng bộ giữa phân ban THPT với đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ

Cần có giải pháp đồng bộ giữa áp dụng phương án phân ban THPT với đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ; phải bảo đảm có phương án ra đề thi tốt nghiệp phù hợp, công bằng với HS, đồng thời tạo lợi thế khuyến khích HS học nâng cao nhiều môn. Trên cơ sở đó, áp dụng phương án tuyển sinh ĐH-CĐ hợp lý, phân ban phải thúc đẩy phân luồng theo học lực của HS, góp phần giảm bớt tình trạng HS tốt nghiệp THPT dù có học lực hạn chế vẫn chọn con đường vào ĐH.

LÊ LINH – SĨ GIA

Tin cùng chuyên mục