Bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Có tiềm năng, thêm trợ lực

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để tạo dựng bản sắc cho một thành phố, một vùng đất là bài toán thấy rõ lợi ích. TPHCM - thành phố trẻ nhưng không thiếu những di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể để tạo dựng bản sắc cho đô thị, tài nguyên khai thác du lịch. Nhưng muốn hiệu quả, phải đầu tư và nâng chất đồng bộ, mà bài toán đầu tiên chính là: Tiền đâu?

Muốn sang nhưng chẳng có tiền

Báo cáo của Sở VH-TT TPHCM xung quanh công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa cho thấy một thực tế quá chênh lệch trong chi phí bảo tồn. Từ khi có Luật Di sản văn hóa (có hiệu lực thực thi từ ngày 1-1-2002) đến nay, UBND TPHCM và các đơn vị liên quan quan tâm bố trí kinh phí trên 700 tỷ đồng cho việc tu bổ, phục hồi và trưng bày bổ sung trên 40 di tích. Trong khi đó, riêng ở một số điểm, nguồn vốn xã hội hóa đạt 500 tỷ đồng.

Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố

Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố

Có thể thấy, mức độ đầu tư cho văn hóa còn thấp. Cụ thể, TPHCM có 185 di tích được xếp hạng và gần 300 ngôi đình làng đặc trưng Nam bộ. Nhiều người làm công tác bảo tồn di sản đặt vấn đề, việc thống kê kinh phí trong quá trình bảo tồn di tích (mà ở đây là 185 di tích được xếp hạng), và những công trình chưa được xếp hạng di tích cũng đưa vào danh sách được trùng tu từ nguồn vốn xã hội hóa thì liệu có “lẫn lộn” khái niệm?

ThS Nguyễn Bửu Toàn (Hội Di sản Văn hóa TPHCM) chia sẻ: “Một số di sản được bảo tồn tốt, nhưng không khai thác được giá trị kinh tế do đơn vị chủ quản cho rằng, bảo vệ di sản văn hóa là cần bảo tồn nguyên vẹn (nguyên trạng), không làm biến dạng hay thay đổi hiện trạng của di sản. Có di sản được đơn vị chủ quản khai thác giá trị kinh tế tốt, nhưng công tác bảo tồn lại kém, theo kiểu khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một bài toán khó và có nhiều mâu thuẫn”.

Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử TPHCM và Đền thờ Hùng Vương vừa được đầu tư hơn 44 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, đình Chí Hòa (quận 10) được đầu tư 34 tỷ đồng, đều từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, những điểm di tích còn lại, như một số bảo tàng công lập, đình làng (đã được xếp hạng di tích), vẫn chờ trợ lực để “hồi sinh”, bởi muốn khai thác và phát huy thì trước mắt phải bảo tồn cho bằng được chứ không thể khai thác di sản trong tình trạng xuống cấp.

Hội trường Thống Nhất - Dinh Độc Lập là di tích quốc gia đặc biệt

Hội trường Thống Nhất - Dinh Độc Lập là di tích quốc gia đặc biệt

Thủ tục chồng chéo

Hiện tại, một số điểm đến du lịch nổi tiếng tại TPHCM vẫn chưa được xếp hạng di tích. Theo chia sẻ, các đơn vị chủ quản từ chối làm hồ sơ xếp hạng bởi thủ tục nhiêu khê; và khi đã là di tích được xếp hạng thì thủ tục càng rắc rối hơn, phải có đầy đủ giấy tờ khi muốn tu bổ, tôn tạo. Chưa kể, khi di tích đã xếp hạng, phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa, hạn chế một số việc khai thác, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động, nên các đơn vị chủ quản không muốn “trói” di tích vào bảng xếp hạng.

Trên thực tế, khi di tích được đưa vào xếp hạng, rầm rộ nhất có lẽ là ngày trao bằng công nhận, còn lại mức độ quan tâm và theo dõi còn quá “mỏng”, một số nơi gần như không có. Thực tế này có thể thấy rõ tại di tích lò gốm Hưng Lợi (quận 8), dù được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia, nhưng hiện tại gần như chỉ còn là phế tích.

Cũng liên quan đến thủ tục, bảo tàng nghệ thuật tư nhân do chuyên gia cơ khí Bùi Văn Ngọ (tại số 231 An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) thực hiện ròng rã các bước hoàn tất hồ sơ nhưng đến nay vẫn còn chờ để được thành lập. Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, chia sẻ: “Chính tôi cùng các thành viên của hội hỗ trợ các bước ngay từ đầu để thành lập bảo tàng tư nhân. Mọi thủ tục đã hoàn thành đến hơn 90%, chỉ còn chờ địa phương xác nhận, nhưng đến nay vẫn còn vướng chuyện mặt bằng, nên cứ trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Dù gia đình ông Bùi Văn Ngọ có điều kiện kinh tế, nhưng không có khách tới lui, không mở cửa thường xuyên, một số hiện vật cũng xuống cấp”.

Nói về tình trạng xuống cấp chung ở các di tích đã được xếp hạng trong thành phố hiện nay, một chuyên gia trong lĩnh vực di sản đánh giá: kinh phí để tu bổ và tôn tạo đồng thời các di tích một lượt cũng rất khó, nhưng tình trạng một số di tích hiện nay thì không thể chờ quá lâu. Chưa kể, di tích, đồ cổ cứ lai rai “dặm vá” hoài chứ không thể chờ kinh phí nhà nước.

Muốn phát huy giá trị của những di sản trăm năm tại TPHCM, trước hết phải làm tốt công tác bảo tồn cho đúng và giữ được bản sắc di sản.

“Chúng ta nói rất nhiều đến công tác bảo tồn di sản văn hóa, nhưng mỗi khi nghe đến hai chữ “bảo tồn”, liên tưởng đến 2 suy nghĩ: một là chuyện của nhà nước, và hai là chỉ có ngân sách nhà nước. Hay nói cách khác, đó là một vấn đề thuộc phạm trù quản lý hành chính nhiều hơn là mang tính cộng đồng hay xã hội. Trong khi đó, nếu hiểu đúng giá trị văn hóa, thì nó thuộc về khía cạnh xã hội; chính cộng đồng xã hội là chủ thể làm nên văn hóa, và theo thời gian nó trở thành di sản. Điều đó cho thấy rằng, việc bảo tồn di sản văn hóa phải là nhiệm vụ của xã hội và cần có những phương án kịp thời. Điều này còn giúp thoát khỏi những giới hạn về mặt ngân sách hoặc giúp phát triển kinh tế, từ đó giúp công tác bảo tồn trở nên tốt hơn. Để làm được điều này vẫn phải bắt đầu từ vấn đề cốt lõi nhất, là tư duy quản lý”, anh Trần Công Danh, Chi hội Kết nối Di sản văn hóa trà Việt, Hội Di sản văn hóa TPHCM, nhận xét.

Tin cùng chuyên mục