
- Báo Tuổi Trẻ đăng chuyện cụ bà Ka Ơnh, không hiểu bác đã đọc chưa?
- Chưa. Nhưng sao?

Ảnh minh họa
- Cụ bà người Châu Mạ gần trăm tuổi đạt kỷ lục 15 năm làm nghề… người mẫu.
- Bác ơi! Bác lại thích đùa rồi. Người mẫu phải là các cô gái trẻ trung.
- Nhưng đây không phải là người mẫu thời trang. Đây là người mẫu “nghệ thuật” bất đắc dĩ.
- Là thế nào?
- Bất cứ đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh nào đến đây đều được các nhiếp ảnh gia tại chỗ mang cụ bà Ka Ơnh ra làm mẫu. Báo Tuổi Trẻ khẳng định có ít nhất 500 tay máy cả nước đã tìm đến chụp ảnh bà, khai thác cái nét già, nét tàn tạ của bà. Rất nhiều bức ảnh về bà đã giành được những giải thưởng danh giá FIAP làm vinh danh cho những kẻ cầm máy.
- Thế thì đúng là người mẫu bất đắc dĩ rồi. Nhưng hỏi thật bác nhé: người cầm máy đoạt giải quốc tế, “người mẫu” có được “danh thơm”?
- “Danh” thì có nhưng “thơm” thì không. 15 năm hành nghề, các cô người mẫu có thể thành tỷ phú nhưng cụ bà Châu Mạ thì sống dưới mức nghèo khổ. Hình ảnh bà đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới trong các salon, bộ sưu tập ảnh nhưng bà thì đang sức tàn lực kiệt vì phải “cống hiến” quá sức cho nghệ thuật.
- Bác ơi! Bác nói làm tôi muốn khóc. Nhưng theo bác, liệu có cách nào buộc cái “danh” của nghệ sĩ và cái thực của cụ bà Ka Ơnh?
- Buộc làm sao được bác ơi! Ta mới có luật bản quyền, đâu đã có luật người mẫu.
- Nhưng vẫn còn một thứ luật khác.
- Luật gì?
- Luật của lương tâm.
GIA LỘC