Bất ngờ thư pháp Huế

Bất ngờ thư pháp Huế
  • Khí phách khắc sâu… thớ gỗ

Nhà thư pháp, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Nhuận Đức, tác giả thực hiện tập thơ… gỗ “Nhật ký trong tù” cho biết: “Dự định của tôi có từ lâu rồi nhưng chưa thực hiện được vì tôi không thể kham nổi phần nguyên liệu để thực hiện tập thơ này. Tập “Nhật ký trong tù” gồm 135 bài thơ. Mỗi bài thơ được thể hiện trên một tấm gỗ.

Bất ngờ thư pháp Huế ảnh 1

Tổng cộng phải mất 135 tấm gỗ xà cừ. Khi hoàn thành, quyển sách này sẽ nặng gần… 2,5 tấn. May thay, khi biết ý định của tôi, anh Phan Đình Ngôn - Giám đốc Công ty công viên cây xanh Huế hứa sẽ hỗ trợ dần dần cho tôi đủ số gỗ để khắc thơ của Bác. Các bài thơ được thể hiện nguyên bản bằng chữ Hán viết theo 4 lối chữ: chân, thảo, triện, lệ. Khi trưng bày, chúng tôi sẽ đính kèm phụ đề bằng tiếng Việt với đầy đủ phần phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ để người đọc đối chiếu.

Ông cho biết, các công đoạn thực hiện khá phức tạp. Đầu tiên, phải cưa gỗ theo chiều ngang thân cây, mỗi tấm nặng 15 kg, dày 3cm. Sau đó, được hấp sấy và xử lý chống mối mọt, cong vênh. Nhà thư pháp Nhuận Đức sẽ viết lại bài thơ bằng chữ Hán theo 1 trong 4 lối chữ trên, và được vẽ lại trên thớt gỗ.

Sau khi khắc xong chữ, lại phải đánh bóng, trang trí và sơn son thiếp vàng. Anh Trần Duy Dũng- người chịu trách nhiệm khắc lên gỗ bài thơ cho biết: “Để hoàn thành một bài thơ, chúng tôi phải mất 15 ngày làm việc liên tục. Công việc bắt đầu từ tháng 3/2006. Và để hoàn thành tập “Nhật ký trong tù” phải mất hai năm. Cho nên, từ giờ cho đến Festival Huế 2006, chúng tôi sẽ trưng bày được hơn 10 bài thơ trong tập thơ của Bác”.

Tập thơ “Nhật ký trong tù” tràn đầy khí phách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nay được khắc lại trên bản gỗ bằng bàn tay tài hoa của nhà thư pháp Nhuận Đức và Duy Dũng, sẽ trở thành tài sản tinh thần quý giá nhất, không chỉ của riêng hai người, mà còn là niềm tự hào của người dân xứ Huế.

  • Gấm trắng viết chuyện nghĩa tình

Cũng là một thành viên khác trong CLB Thư pháp Huế, hai vợ chồng nhà thư pháp Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ lại chọn chất liệu gấm trắng, một loại chất liệu hoàn toàn khác biệt để thể hiện truyện thơ Lục Vân Tiên. Truyện thơ Lục Vân Tiên sẽ được thể hiện bằng chữ Việt và cả chữ Nôm trên gấm trắng, gồm 130 trang thư pháp chữ Việt và 130 trang thư pháp chữ Nôm, với 2.088 câu viết theo lối lục bát.

Quyển sách gấm này có kích cỡ 48 cm x 85cm/ trang, nặng 20 kg. Toàn văn tác phẩm được thể hiện theo chiều dọc của cây gấm, tổng chiều dài hơn 130m. Ông Nguyễn Phước Vĩnh Thọ bắt tay vào thực hiện từ sau Tết Nguyên đán Bính Tuất. Ông kể: “Vợ tôi cũng đam mê văn học nên khi nghe tôi làm, bà đã hỗ trợ rất đắc lực. Nếu không có bà ấy, một mình tôi không làm nổi”.

Mỗi ngày làm việc cật lực, ông Thọ có thể hoàn thành 3 trang chữ Việt và 3 trang chữ Nôm. Sách được làm theo lối sách cổ ngày xưa, không khâu gáy mà chỉ gấp từng trang, trưng trên giá và có dụng cụ lật riêng. Bìa sách được làm bằng gỗ gõ, chữ mạ vàng. Mỗi trang thơ trên gấm, ngoài chữ do ông Vĩnh Thọ thể hiện, còn được minh họa bằng hoa lá trong bộ “tứ bình” (mai, lan, cúc, trúc) rất đẹp mắt. Nhà thư pháp Vĩnh Thọ mong muốn, sau Festival, quyển sách gấm trắng viết lại truyện thơ Lục Vân Tiên này sẽ được trưng bày ở Nhà lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu ở quê hương Bến Tre của nhà thơ.

Diễm Châu

Tin cùng chuyên mục