Bất ổn mới trên chính trường nước Mỹ

Trong phiên giao dịch ngày 25-9, thị trường chứng khoán thế giới đã chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong 3 tuần qua sau khi các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Donald Trump, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo sẽ tiến hành điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty Images
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo sẽ tiến hành điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty Images

Chứng khoán thế giới chao đảo

Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không tính Nhật Bản) giảm 0,86%, trong khi chỉ số chứng khoán chủ chốt của Nhật Bản là Nikkei cũng giảm 0,39%. Đây là những mức giảm lớn nhất kể từ ngày 3-9. Các cổ phiếu của Australia cũng ghi nhận sự giảm điểm mạnh ở mức 0,54%.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không tránh được làn sóng giảm điểm. Hợp đồng tương lai chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,20%, trong khi hợp đồng tương lai chỉ số DAX trên thị trường Frankfurt (Đức) giảm 0,30% và FTSE trên thị trường London (Anh) giảm 0,26%.

Sắc đỏ ngập tràn thị trường chứng khoán thế giới do tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước diễn biến chính trị mới tại Mỹ, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 24-9 thông báo cơ quan lập pháp này sẽ tiến hành điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump tội lạm dụng quyền lực.  

Nhà Trắng ngày 25-9 đã công bố một bản ghi cuộc gọi, xác nhận Tổng thống Donald Trump đã đề nghị người đồng cấp Ukraine điều tra đối thủ chính trị của mình, cựu Phó Tổng thống Joe Biden - một ngày sau khi đảng Dân chủ nắm được một cáo buộc quan trọng để phát động một tiến trình luận tội Tổng thống. Bản ghi tiết lộ, trong cuộc điện đàm hôm 25-7 giữa ông Trump với Tổng thống Volodymyr Zelensky “có đề cập rất nhiều về con trai của ông Biden, và việc ông Biden ngăn cản điều tra và rất nhiều người muốn tìm hiểu về việc đó”. Bản ghi có đoạn: “Biden đã đi khắp nơi để khoe khoang rằng ông đã ngăn cản cuộc điều tra và vì thế bạn có thể nghiên cứu việc đó”.

Ít khả năng phế truất

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu được tiến hành, cuộc điều tra luận tội dường như sẽ không dẫn đến khả năng Tổng thống Donald Trump bị phế truất. Lý do là bởi ngay cả nếu Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát nhất trí tiến hành luận tội ông Donald Trump thì bước đi tiếp theo trong tiến trình phế truất tổng thống sẽ thuộc về Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Trong quá khứ, đã có 2 tổng thống trải qua quá trình này: Hạ viện Mỹ chính thức luận tội Tổng thống Andrew Johnson (bị cáo buộc cản trở thực thi công lý, lạm dụng quyền lực và coi thường pháp luật) năm 1868 và Bill Clinton (vụ bê bối liên quan đến cô Monica Lewinsky, bị cáo buộc khai man và cản trở thực thi pháp luật) năm 1998. Nhưng cả 2 đều được giải cứu ở Thượng viện.

Phản ứng trước quyết định của Hạ viện, ngày 24-9, Tổng thống Donald Trump lên tiếng chỉ trích quyết định tiến hành điều tra luận tội Tổng thống của đảng Dân chủ nhằm “hủy hoại và làm tổn hại” tới sự hiện diện của ông tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ). Cũng có ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh phe dân chủ đang chia rẽ vì nhiều lý do chính trị, thì Tổng thống Donald Trump cần phải chịu trách nhiệm, và các cử tri dân chủ yêu cầu điều đó.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Facebook đã xóa một nhóm trang có liên kết với Ukraine trên nền tảng của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này, trong đó có các thông điệp về tình yêu đối với nước Mỹ và những lời khen ngợi dành cho Tổng thống Donald Trump, với các bài đăng được hàng triệu người dùng theo dõi. Đó là các trang mạng “I Love America”, “Cute or Not?” và “God bless Donald and Melania Trump and God bless America”…Theo kết quả điều tra công bố trên Popular Information, những trang này cũng do các đối tượng tại Ukraine kiểm soát và đăng tải các chủ đề ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhiều thông tin sai lệch đáng kể.

Tin cùng chuyên mục