* Chưa thông qua dự án Luật Thủ đô
(SGGPO).-Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã bế mạc cuối chiều nay, 29-3, sau 8 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết những nội dung thảo luận, đánh giá của Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, về công tác lập pháp và các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ…
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho biết, Quốc hội thống nhất nhận định: Bốn năm qua, trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của nhân dân; kế thừa, phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm của các khóa trước, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước vẫn còn những yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của việc quyết định và điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, một số văn bản còn thiếu sự thống nhất, tính khả thi chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chưa tốt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Cải cách tư pháp cũng còn chậm.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tổ chức quan tâm hơn nữa một số vấn đề, trong đó nối bật là việc lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, cần được coi là một nhiệm vụ chính trị trong tâm trong 6 tháng đầu năm 2011. Chủ tịch nhắn nhủ các vị đại biểu Quốc hội trên mỗi vị trí công tác của mình tích cực tham gia công tác chuẩn bị bầu cử, giám sát hoạt động bầu cử và tuyên truyền cho công tác bầu cử.
“Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XIII sẽ được khai mạc chậm nhất vào ngày 22-7-2011 với nhiều nội dung quan trọng như bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước, tiếp tục xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; cho ý kiến và thông qua một số luật, đồng thời quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Các cơ quan hữu quan cần chủ động, chuẩn bị tốt các nội dung kỳ họp, trong đó có việc chuẩn bị báo cáo với Quốc hội kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế- xã hội được nêu ra tại các kỳ họp Quốc hội gần đây”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chân thành cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng các vị đại biểu Quốc hội đã hoàn thành trọng trách trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.
Chưa thông qua Luật Thủ đô
Ngay trước khi bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 3 dự án luật, gồm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Phòng, chống mua bán người và Luật Kiểm toán độc lập.
Riêng dự án Luật Thủ đô, do không đạt được tỷ lệ tán thành cần thiết (chỉ có 35,9% số đại biểu biểu quyết tán thành) nên chưa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.
Trong buổi sáng hôm nay, Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã báo cáo Quốc hội về việc triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và tình hình xử lý sai phạm tại Tập đoàn Vinashin.
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội trường đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong công tác xét xử thời gian qua, mặc dù khối lượng công việc là rất lớn, vừa tăng mạnh về số vụ, vừa phức tạp hơn nhiều về tính chất. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tổn tại trong công tác này như tỷ lệ án phải cải sửa vẫn còn đáng kể; án oan sai tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn còn, đội ngũ cán bộ tư pháp vẫn thiếu và chất lượng không đồng đều…
Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chỉ ra rất cụ thể nhiều bất cập trong khuôn khổ pháp lý hiện hành và đề nghị sớm bổ sung, chỉnh sửa để tạo điều kiện cho ngành Tòa án và Viện Kiểm sát hoạt động. Bà cũng cho rằng hiện vẫn tồn tại sự “cập kênh” đáng kể về trình độ của đội ngũ điều tra viên so với đội ngũ thẩm phán và kiểm sát viên.
Bà Lê Thị Nga cũng đồng tình với đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) và một số đại biểu khác về việc phải tăng lương, thu nhập cho đội ngũ cán bộ ngành kiểm sát và tòa án.
“Với đồng lương nhỏ nhoi như hiện nay thì khó có thể nói là dưỡng liêm đối với những cán bộ phải làm việc cầm cân nẩy mực”, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) bình luận.
ANH THƯ