
Ngày 17-12, một ngày trước khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Hồng Công (Trung Quốc), đàm phán về vấn đề hàng nông sản vẫn bế tắc, thậm chí thụt lùi, khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phát triển phương Tây không chịu nhân nhượng lẫn nhau và với các nước đang phát triển.

Hàng trăm ngàn người từ các nước hội tụ ở Hồng Công, phản đối toàn cầu hóa. Trong ảnh: Bức tranh “WTO giết chết nông dân” của Hội Nông dân Hàn Quốc.
Trước tình hình này, lần đầu tiên trong lịch sử họp WTO, 110 bộ trưởng thuộc hai nhóm G20 (các nước đang phát triển) và G90 (nhóm các nước bắt đầu phát triển) đã liên minh với nhau phản đối và gây sức ép với các nước phát triển.
Pháp là nước EU có nhiều hàng nông sản xuất khẩu đã kiên quyết không nhân nhượng vì lo sợ đụng chạm tới lợi ích của nông dân trong nước. EU lại lên án mạnh mẽ các nước Canada, Australia, New Zealand đã không thực hiện cam kết nhượng bộ nên đẩy hội nghị rơi vào bế tắc.
Các nước châu Phi lên án Mỹ đã trợ cấp tới 5 tỷ USD cho ngành bông của Mỹ làm thiệt hại những người sản xuất bông của châu Phi.
Trước sự đấu tranh của các nước nghèo, một dự thảo hiệp định hé mở khả năng các nước phát triển sẽ hủy bỏ trợ cấp bông vào năm tới. Cao ủy phụ trách thương mại của EU Peter Mandelson nói rằng, nếu không ký được hiệp định xung quanh vấn đề hình thức trợ giá xuất khẩu, EU sẽ không thực hiện thời gian biểu hủy bỏ trợ giá xuất khẩu. Ông Mandelson cho rằng “đàm phán đang có dấu hiệu thụt lùi”.
Tại hội nghị, Nga đã ký nghị định thư với Philippines, Nicaragua, Paraguay hoàn tất đàm phán về việc gia nhập WTO. Hiện Nga đã bắt đầu tiến trình đàm phán với Mỹ, Canada, Australia, Thụy Sĩ, Colombia và Uruguay.
H.T.D (AFP, Novosti)