Sau 5 tháng triển khai và vận hành thành công, phần mềm quản lý FPT.eHospital cho 2 bệnh viện đa khoa khu vực huyện (Cần Giuộc, Mộc Hóa) và 2 trung tâm y tế huyện (Cần Đước, Châu Thành) cho thấy đây chính là bước đi đầu tiên của Sở Y tế tỉnh Long An trong chiến lược xây dựng cơ sở dữ liệu y tế chung trong toàn tỉnh, hướng tới xây dựng một môi trường y tế số hóa trong nay mai.
Những tiện lợi
Ông Lê Văn Hậu, Phó Giám đốc Sở Y tế Long An khẳng định, ngành y tế Long An hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả mà chương trình mang lại với những lợi ích đã được chứng minh tại các đơn vị ứng dụng phần mềm quản lý trong giai đoạn 1. Cụ thể hơn, bác sĩ Võ Ngọc Thắm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Mộc Hóa, một trong bốn đơn vị đã ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện FPT.eHospital trong giai đoạn 1 cho biết: “Phần mềm này hỗ trợ công tác tính toán, thống kê, báo cáo… rất nhanh và chính xác, phục vụ công tác dược rất hiệu quả. Chỉ trong vòng 1 ngày, chúng tôi biết được trong ngày đó, bệnh viện sử dụng bao nhiêu loại thuốc, chủng loại gì… Ngày xưa làm thủ công thì rất khó, tốn rất nhiều thời gian. Còn giờ chỉ cần bấm máy không quá 5 phút là có thông tin đầy đủ”.
Bác sĩ Bùi Quốc Dũng, quyền Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cũng nhận xét: “Ngoài công tác chuyên môn, công tác báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất hay kết xuất số liệu rất nhanh, kịp thời, giúp rất nhiều cho công việc, đồng thời cũng giúp giảm tải về con người, trang thiết bị y tế. Có chương trình hỗ trợ, quá trình làm việc được tốt hơn sẽ giảm bớt số lượng nhân viên hành chính”.
Anh Ngô Văn Kiến, huyện Châu Thành, tỉnh Long An nhận xét: “Tôi thấy bệnh viện làm thế này rất khoa học. Toa thuốc thông tin rất rõ ràng, loại thuốc, số lượng cụ thể, dễ đọc chứ không viết tháu như chữ bác sĩ trước đây…”.
Thống kê sơ bộ các hiệu quả mang lại khi ứng dụng FPT.eHospital cho thấy: Thời gian tiếp nhận bệnh giảm từ 4 phút/người xuống còn 1 phút/người; thời gian làm thủ tục viện phí cho bệnh nhân ra viện nhanh hơn 1,5 lần và tính chính xác cao hơn; thời gian phát thuốc, thu viện phí giảm từ 5 phút/người còn 2 phút/người; tổng hợp báo cáo giảm từ 1 – 2 ngày, không có liên kết hệ thống xuống còn 5 phút với tính liên kết cao… Rõ ràng, ứng dụng mới đã tạo thuận lợi hơn cho người dân khi khám bệnh và quản lý bệnh viện cũng khoa học hơn.
Quyết tâm xây dựng bệnh án điện tử
Trong giai đoạn tiếp theo đang được triển khai, hơn 10 bệnh viện và trung tâm y tế còn lại của tỉnh sẽ được trang bị phần mềm quản lý. Sau đó, Sở Y tế sẽ tiến hành liên thông, kết nối, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, tạo nên một hệ thống quản lý tổng thể và hình thành nên một cơ sở dữ liệu chung cho ngành y tế tỉnh Long An. Khi đó, mỗi người dân với bệnh án điện tử được lưu trữ trong hệ thống, có thể đi khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện, trung tâm y tế nào. Bác sĩ cũng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin và bệnh sử của bệnh nhân để có phương án điều trị hiệu quả nhất…
Tuy nhiên, để hình thành hệ thống bệnh án điện tử phục vụ cho người dân Long An, cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Ông Lê Văn Hậu, Phó Giám đốc Sở Y tế Long An, cho rằng: “Dự án giai đoạn 1 cũng cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tại các cơ sở y tế không hề đơn giản. Có khá nhiều khó khăn vấp phải do thiếu nguồn nhân lực CNTT cũng như như sự phối hợp giữa các bộ phận. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong, với những kinh nghiệm trong giai đoạn 1, FPT IS sẽ có sự hiểu biết sâu sắc hơn về hiện trạng ngành y tế tỉnh Long An để xây dựng một mô hình phù hợp nhất cho tỉnh”.
Chia sẻ với những bước đầu thành công của dự án, ông Lê Văn Bích, Giám đốc Sở TT-TT Long An cho rằng: “Sở TT-TT cũng đã ứng dụng CNTT vào quản lý, xây dựng mô hình quản lý tập trung, liên thông kết nối như Sở Y tế. Tôi có thể khẳng định, việc ứng dụng có thành công hay không, mang lại hiệu quả thực sự hay không, quyết tâm của người đứng đầu là quan trọng nhất. Chỉ cần lãnh đạo quyết tâm xây dựng thì mọi khó khăn đều có thể giải quyết”.
Qua đây cũng thấy rõ, ngành y tế Long An đã quyết tâm xây dựng hệ thống quản lý tổng thể và hình thành nên một cơ sở dữ liệu chung cho ngành y tế tỉnh Long An. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận, nhất là với một tỉnh vốn còn nhiều khó khăn.
BÁ TÂN