(SGGPO).- Chiều 31-10, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 công bố ca ghép gan cho bệnh nhi Nguyễn Võ Trí Hào (13 tháng tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) thành công.
Đây là ca ghép gan trẻ em thứ 10 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, thành công đạt chuẩn quốc tế.
Ca phẫu thuật thực hiện ngày 4-10 bởi ê kíp 40 người, gồm: GS. Trần Đông A, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ một số bệnh viện khác ở TPHCM và 2 chuyên gia đến từ Trường Đại học Saint-Luc (Bỉ).
Bệnh viện Nhi đồng 2 công bố thành công ca ghép gan cho bệnh nhi 13 tháng tuổi
Trước đó, bệnh nhi Nguyễn Võ Trí Hào được chẩn đoán teo đường mật đã phẫu thuật Kasai lúc 7 tuần tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau đó bé bị tiến triển xơ gan, buộc phải phẫu thuật ghép gan. Người cho gan là ba của bé, anh Nguyễn Thanh Hiệp (38 tuổi). Trước khi ghép, anh Hiệp bị tăng huyết áp, tăng mỡ máu. Anh được bệnh viện điều trị ổn định đủ điều kiện để cho gan. Sau khi phẫu thuật cho gan, anh phục hồi tốt, xuất viện sau 10 ngày.
Đến nay, sau gần 1 tháng chăm sóc và điều trị, bệnh nhi Trí Hào đã hoàn toàn khỏe mạnh và xuất viện ngay trong chiều nay. “Gánh nặng lớn nhất của gia đình là chi phí điều trị, phẫu thuật cho bé nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xoay sở vay mượn. Rất may mắn, bé có được gan cho phù hợp từ cha và được sự hỗ trợ rất tận tâm từ các y bác sĩ của bệnh viện”, chị Võ Thị Thu Trang – mẹ bé Hào chia sẻ.
Bệnh nhi Nguyễn Võ Trí Hào xuất viện chiều 31-10. Ảnh: VÕ THẮM
Theo BS CK2 Nguyễn Minh Ngọc – Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, sức khỏe cả hai cha con sau phẫu thuật đều ổn định: “Gan là cơ quan nội tạng có khả năng tái sinh nên sau khi cho đi một phần gan, trong vòng 2-3 tháng gan sẽ phát triển trở lại. Trong ca phẫu thuật này, chúng tôi đã cắt 230g gan thùy trái của người cha để ghép thay thế cho phần gan bị xơ hóa của bệnh nhi.
Ghép gan cho trẻ dưới 2 tuổi từ người cho còn sống là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng. Việc gây mê hồi sức, khâu nối các mạch máu ở bệnh nhi càng nhỏ tuổi càng phức tạp vì các bộ phận rất nhỏ, phải nối bằng vi phẫu, chỉ cần sơ sót nhỏ có thể dẫn đến nghẹt mạch”.
Bé Hào không còn vàng da, các chức năng gan hoạt động như người bình thường. Ảnh: VÕ THẮM
TS.BS Trần Thanh Trí – Trưởng khoa ngoại Tổng hợp, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bé Hào, cho biết: “Ca này tương đối nhỏ tuổi, nhỏ cả cân nặng. Tuy nhiên, là ca thứ 10 chúng tôi thực hiện, lại được chuẩn bị kỹ về mọi mặt từ kỹ thuật phẫu thuật của ekip, trang thiết bị phẫu thuật đến các chế độ dinh dưỡng cho bé (sữa Heparon), chủng ngừa, các điều trị hỗ trợ (kháng sinh dự phòng, Dourso, Vitamin A, D, E, K)… nên cuộc ghép gan diễn tiến khá thuận lợi, kết thúc sớm hơn dự kiến 2 giờ. Khi phẫu thuật, bệnh nhi ít chảy máu, các mạch nối chỉ thực hiện một lần là xong. Đây là một trong những ca ghép gan xuất viện sớm nhất. Hiện tình trạng của bé khá tốt, ăn uống tốt, lên cân, không còn vàng da, các chức năng gan đang trở về hoạt động như người bình thường. Dự kiến, 3 ngày sau bé sẽ tái khám và thời gian sau này sẽ giãn dần”.
BV Nhi đồng 2 bắt đầu ghép gan trẻ em từ năm 2005, đến nay đã thực hiện ca ghép gan thứ 10. Hiện mỗi ca ghép gan có chi phí khoảng 500 triệu đồng, chưa kể chi phí điều trị, theo dõi kéo dài sau phẫu thuật. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ xây dựng trung tâm ghép tạng và khu trung tâm ghép tạng kỹ thuật cao. Đề án đã được Sở Y tế TPHCM chấp thuận và đang chờ phê duyệt từ UBND TPHCM. “Ca ghép gan bé Trí Hào là ca thứ 10. So với các ca khác sớm hơn khá nhiều. Các ca trước thường 2-3 tháng mới xuất viện, có khi phải mổ lại. Dự kiến, tháng 3-2017, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ thực hiện ca ghép gan tiếp theo. Khoa Tiêu hóa của bệnh viện sẽ phụ trách hoạt động này. Hiện nay, nguồn hiến tạng ghép gan cho trẻ cũng đang là vấn đề khó khăn. Nguồn tạng được ghép từ trước đến nay cho trẻ chủ yếu từ người cho còn sống và là người thân trong gia đình. Hiện Việt Nam vẫn chưa cho phép sử dụng tạng của trẻ em chết não, do vậy chưa có nhiều trẻ em được thực hiện ghép tạng”, ThS. BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết. |
VÕ THẮM