
Họ lấy nhau khi cả hai đều trên 30 tuổi. Ai cũng có sự nghiệp riêng, một số tiền tiết kiệm kha khá, cùng là dân ở tỉnh đến thành phố lập nghiệp, cha mẹ đều ở xa. Họ sống tung tăng như đôi chim non, muốn bay đi đâu thì bay. Chuyện ăn cơm bên ngoài là lẽ thường, vì cả cuộc đời sinh viên, rồi đi làm, họ đều đã quen. Vì vậy, khi có một mái ấm riêng nho nhỏ, cái bếp của họ lạnh ngắt. Chiều về nếu rảnh, họ kéo nhau ăn quán; còn không, mạnh ai nấy ăn, chồng có bạn chồng, vợ có bạn vợ, tối mạnh ai nấy về. Họ chưa vội sinh con, nên tiền ai nấy xài, chưa đặt nặng chuyện dành dụm vì gia đình tương lai. Họ tự hào về chuyện không phải vấn vương chuyện con cái, bếp núc…
Họ hàng và bạn bè hai bên đều ngạc nhiên trước lối sống của họ. Có người khuyên họ nên mau có con, nên nấu cơm ăn ở nhà, ít ra có bữa cơm tối. Họ gật đầu, nhưng rồi không thực hiện, vì họ đang sống sướng quá rồi, lao đầu vào bếp núc, con cái chi cho mệt mỏi…

Vài năm sau, họ chia tay. Anh có gia đình mới và sinh một mụn con. Cô vợ chưa lập gia đình mới nhưng đã có vài mối tình già nhân ngãi, non vợ chồng. Cả hai đều không nói lý do họ chia tay, cũng chẳng ai trách móc ai. Chỉ biết, lối sống không có bếp hồng lửa ấm, không có cảnh vợ chồng mong ngóng nhau để ăn chung khi chiều về, cả nhà không tiếng trẻ bi bô… đã đẩy mỗi người đi một hướng ngày càng xa nhau.
Bữa cơm gia đình xem ra đang là vật xa xỉ của những người sống xa quê, đơn thân vào thành phố sinh sống làm việc. Có người cứ đến ngày nghĩ lễ, tết không về quê được, cứ thèm được ăn một bữa cơm mẹ nấu. Một nồi cá kho mặn, một tô canh rau hái vội ở vườn và một nồi cơm thơm mùi gạo mới, đủ để họ thèm thuồng hơn bất kỳ một bữa ăn sang trọng đầy gà tiềm, vịt quay, heo bát bửu, hải sản… ở nhà hàng. Lập gia đình rồi, cũng cơm hàng cháo chợ, chàng trai nào không ngán?
Ở các khu ký túc xá hay nhà trọ, những cô gái trẻ - giỏi - ở chung, thường tự góp tiền nấu cơm chung. Thức ăn vừa sạch, ngon lại rẻ hơn ăn quán và chính là rèn luyện mình sẽ trở thành một bà chủ gia đình đảm đang trong tương lai. Các bà mẹ chọn dâu thường chọn con dâu tương lai biết tề gia nội trợ. Chàng trai nào cũng thích vợ mình giỏi chuyện bếp núc, quán xuyến gia đình. Vậy mà, bữa cơm gia đình chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nhiều người đã quên.
Chiều về, gia đình nào có ngọn lửa hồng “nhảy nhót” trên bếp, có những giọt mồ hôi của người vợ, anh chồng về sớm tranh thủ nấu bữa chiều cho cả gia đình để có một bữa cơm vui vẻ, ấm áp, hòa với tiếng reo vui của trẻ… thì còn gì vui bằng. Nếu điều đó không xảy ra, chắc chắn tương lai không xa, khi cái bếp lạnh ngắt thì cái nhà cũng lạnh tanh tình nghĩa vợ chồng.
NGUYÊN AN