Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp Chủ tịch Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Đức đến thăm và làm việc tại TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong những năm qua, quan hệ Việt Nam-Đức được duy trì ổn định thể hiện qua việc trao đổi giữa các đoàn lãnh đạo cấp cao, tiêu biểu là chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2016 của Bộ trưởng Ngoại giao Đức và chuyến thăm nước Cộng hòa Liên bang Đức vào tháng 7-2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục được xem là một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Minh chứng rõ nét nhất cho điều này là lễ khởi công xây dựng khuôn viên mới của Trường Đại học Việt Đức tại Bình Dương vào tháng 10-2016, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao vai trò của Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Đức với sự quy tụ của 268 trường đại học thành viên, chiếm 94% sinh viên cả nước, trở thành tiếng nói của các trường đại học đối với chính trị và công chúng, đồng thời là diễn đàn trao đổi ý kiến của các trường đại học.
Từ thực tế đó, đồng chí mong muốn lắng nghe chia sẻ của đại diện đến từ nước Đức về kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu cũng như quản lý tại các trường đại học.
Ông Horst Hippler cho biết, hệ thống giáo dục đại học giữa hai nước có nhiều khác biệt. Nếu như ở Đức, các trường đại học chịu sự quản lý của các bang thì tại Việt Nam, tùy vào vị trí, vai trò của đơn vị trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các trường sẽ chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, theo xu hướng của thế giới, tất cả trường đại học đều phải tăng cường sự trao đổi, kết nối. Đặc biệt trong thời đại khoa học kỹ thuật không ngừng thay đổi, trường đại học không chỉ đáp ứng hai yêu cầu nghiên cứu và giảng dạy mà phải đặt ra nhiệm vụ sáng tạo, có quan hệ mật thiết với các dự án phát triển của thành phố, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng cường kết nối nghiên cứu giữa các nhà khoa học. Khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 bùng nổ, trọng trách của các trường đại học không chỉ đào tạo sinh viên cho một ngành nghề lao động nhất định mà phải trang bị cho sinh viên những kỹ năng để đối mặt với những vấn đề đặt ra trong tương lai cũng như cách thức giải quyết những vấn đề đó, có khả năng cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có trách nhiệm, phù hợp với những đổi mới của xã hội.
Từ những trao đổi trên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phía bạn giới thiệu một số mô hình phát triển ở Đức, nhất là trong việc phát triển mô hình thành phố thông minh – một trong những dự án phát triển và cải cách toàn diện mà TPHCM đang theo đuổi.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, TPHCM đang xây dựng kế hoạch sáp nhập một số quận thành trung tâm đô thị sáng tạo, tiếp tục thực hiện kế hoạch đưa 500 cán bộ trẻ học tập ở nước ngoài. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Đức cũng như mở rộng các chương trình học bổng và tăng cường kết nối giữa các trường đại học giữa hai nước.