Đoàn công tác của TPHCM do đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn, đã đến thăm hỏi, động viên các chiến sĩ và nhân dân đang công tác, sinh sống tại Trường Sa, trên chuyến tàu KN 920 của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Chuyến công tác thể hiện sự quan tâm của nhân dân và chính quyền TPHCM đối với Trường Sa, làm cho Trường Sa ngày càng gần với đất liền hơn.
Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ tại đảo Đá Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xây tượng đài Trường Sa
Đến Trường Sa lần này, ai cũng thấy lòng mình yên vui và tự hào, cái hào khí của một thời giong buồm của người xưa tìm đến đảo xa trong vô vàn gian nan vất vả, để cắm cột mốc chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Trường Sa hôm nay đã nhiều đổi thay, lớn mạnh theo từng cơn sóng dữ, đủ sức chống chọi với những trận cuồng phong bão táp giữa muôn trùng đại dương.
Khi đoàn công tác sắp đến đảo Trường Sa Lớn thì nghe thông báo trên đài chỉ huy: “Toàn tàu chú ý, mời toàn đoàn công tác lên boong tàu để chào chiếc thủy phi cơ của Trường Sa bay vòng quanh chào đón đoàn” Mọi người vỡ òa niềm vui, ai cũng hân hoan lên boong tàu dù trên đó cái nắng biển tháng ba chói chang nóng cháy da người.
Từ nơi xa, chiếc thủy phi cơ xuất hiện giữa bầu trời xanh thẳm. Đây là một hình ảnh vô cùng đẹp, đẹp từ bầu trời biển đảo quê hương có máy bay Việt Nam tung cánh sắt, đẹp từ mặt biển in hình chiếc thủy phi cơ lấp lánh màu cờ đỏ sao vàng. Bây giờ các lãnh đạo đoàn ra thăm Trường Sa có thủy phi cơ đưa đi quan sát toàn cảnh Trường Sa. Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Phó trưởng đoàn công tác, cho biết viên phi công lái chiếc thủy phi cơ này còn rất trẻ, mới 22 tuổi.
Vui biết chừng nào, vì chỉ mấy năm trước thôi, mỗi khi tàu từ đất liền ra tiếp tế lương thực, các chiến sĩ phải bơi xuồng ra nhận vô cùng vất vả. Sóng gió ầm ào, chiếc xuồng như chiếc lá nhỏ nhoi như chực bị cơn sóng dữ nuốt chửng giữa đại dương. Bây giờ đoàn được trung chuyển lên đảo bằng ca nô gắn máy hiện đại, lại còn có thủy phi cơ phục vụ dân sinh. Thời gian qua, có nhiều ca bệnh nguy kịch của quân và dân trên các điểm đảo Trường Sa, kể cả những ngư dân khi ghé vào đảo để nhờ trị bệnh, đã được thủy phi cơ đưa ngay về TPHCM cấp cứu kịp thời.
Khi đi thăm các thành viên trong đoàn, đồng chí Tất Thành Cang đặt vấn đề với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Lên và họa sĩ Lã Quý Tùng cùng đi trong đoàn: “Các anh nghĩ xem, mình nên làm tượng đài Trường Sa như thế nào. Hình tượng nào là chủ đạo để mang được ý nghĩa bao trùm về Trường Sa. Thể hiện mức độ hoành tráng cỡ nào cho phù hợp?”. Đồng chí Tất Thành Cang còn thể hiện rõ sự quyết tâm: “Theo tôi, rất cần phải thực hiện tượng đài Trường Sa, mà phải làm ngay, làm cho bằng được, làm bằng cả tấm lòng với Trường Sa, vì Trường Sa. Bởi vậy, khi về đất liền, tôi đề nghị hai anh báo cáo với Hội Mỹ thuật TPHCM kế hoạch cụ thể, có tính khả thi, sau đó trình lãnh đạo thành phố xem xét”.
Ý tưởng mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình trước sau với các bậc tiền nhân một thời giong buồm căng gió ra với đảo xa, biết bao người đã không trở về. Và đối với những anh hùng liệt sĩ đã nằm yên dưới lòng biển cả cũng vì Trường Sa thân yêu, đã nhanh chóng được các thành viên trong đoàn hoàn toàn nhất trí cao. Ai cũng cho rằng đây là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa tri ân các bậc tiền nhân, cũng đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh hải, đặc quyền thềm lục địa ngàn đời Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Điện mặt trời, điện gió sáng đảo xa
Sau đảo Đá Nam, chúng tôi tiếp tục đến với đảo Song Tử Tây. Từ xa nhìn vào, đảo có hình bầu dục, như một khu rừng xanh mượt mọc lên giữa muôn trùng sóng vỗ. Ngọn hải đăng cao vút giữa trời mây lồng lộng, soi mình trên biển cả. Đôi mắt của biển, đêm đêm vừa hướng dẫn tàu thuyền qua lại, vừa canh giữ biển đảo quê hương. Xen lẫn trong màu xanh cây lá là màu trắng ngà của những trụ điện gió sừng sững, tự hào quay cánh giữa gió lộng đại dương. Bên cạnh đó là những hệ thống điện năng lượng mặt trời kiêu hãnh giữa sóng biển mênh mông, giữa trời cao lồng lộng. Có nhiều người ra Trường Sa 3 - 4 lần, nhưng ai cũng cho rằng đây là những hình ảnh mới lạ tại Trường Sa họ nhìn thấy.
Một sĩ quan trên đảo Song Tử Tây cho biết, nhờ có điện gió, điện mặt trời nên đảm bảo đủ nguồn điện sinh hoạt cho đảo, đêm về sáng rực trong màn đêm. Các cơ ngơi phục vụ làm việc, hội họp, nơi ăn ngủ của các chiến sĩ được xây dựng đẹp đẽ, bề thế, kiên cố, đủ sức chống chọi với bão táp phong ba. Nhà lầu cao sừng sững, phương tiện làm việc nào là máy tính, tivi, quạt máy, phát thanh, điện thoại bàn, điện thoại di động rất thuận lợi… Điều làm mọi người tâm đắc nhất là mạng điện thoại đã được phủ đầy sóng ra khu vực quanh đó mấy hải lý, giúp các tàu đánh cá gọi điện thoại liên lạc về nhà và thông tin với những tàu cá khác.
Trên đảo Song Tử Tây còn có một công trình hoành tráng và đẹp là ngôi Trường Tiểu học Song Tử Tây, ngoài các lớp học rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, trước sân trường là khu vui chơi giải trí cho các cháu với những con thú quay nhiều màu, đẹp mắt. Bên cạnh trường là khu nhà của những hộ dân ra Trường Sa lập nghiệp được xây dựng quá đẹp, nhà tường lợp ngói đỏ au, trong nhà lót gạch láng bóng, khiến chúng tôi không nghĩ đây là hải đảo xa xôi và cứ ngỡ như ở đất liền.
Đến đảo Song Tử Tây lần này, có lẽ người vui nhất là cha mẹ của các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa. Ông Lâm Văn Vui, quê ở Hóc Môn, thăm con trai là chiến sĩ Lâm Quốc Thái đang công tác tại đảo Song Tử Tây. Hai cha con gặp nhau không cầm được nước mắt. Khi ôm con tạm biệt, ông Lâm Văn Vui nói trong sự yên lòng: “Ba về sẽ nói với má đừng lo nữa, ngoài này bây giờ không thiếu thứ gì, cuộc sống sung túc và yên vui lắm. Con phải xứng đáng là chiến sĩ tốt”.
Cùng đi trong đoàn ra thăm Trường Sa còn có nhiều vị chức sắc tôn giáo, ai cũng bày tỏ niềm vui từ tấm lòng của mình. Sư Danh Hữu Lợi, Thư ký Phân ban Văn hóa, giáo dục Nam tông Khmer, cảm kích: “Tôi thực sự cảm động trước những tấm gương chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh xương máu, để giữ vững ngọn cờ của Tổ quốc nơi đảo xa. Khi về chùa, tôi sẽ nói lại với các tín đồ về những chiến sĩ Trường Sa, để họ hiểu, để noi theo”.
Ngồi nghỉ chân dưới bóng mát của hàng phi lao rì rào gió biển trên đảo Sinh Tồn Đông, Giáo hữu Thượng Cung Thanh, Trưởng ban đại diện Hội Thánh Cao đài Tiên Thiên tại TPHCM thấy lòng mình thanh thản, ông nói: “Như một duyên lành, tôi mới tới được Trường Sa. Từ lâu, tôi chỉ biết Trường Sa qua sách báo và truyền hình. Nay được tận mắt chứng kiến, được nhìn thấy cây bàng vuông, được ngồi dưới bóng mát hàng phi lao, nhất là được gặp những chiến sĩ bằng xương bằng thịt ở Trường Sa”.
Đến thăm đảo, gặp gỡ những người lính và nhân dân trên đảo, đồng chí Tất Thành Cang chia sẻ: “Khi đến các điểm đảo ở Trường Sa, tôi thấy những điểm đảo chúng ta bị chiếm đóng trái phép, đan xen lẫn nhau. Để thấy rằng các chiến sĩ nơi đây luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên cho biển đảo quê hương. Tuy trong hoàn cảnh như vậy, nhưng chiến sĩ trên các điểm đảo luôn là niềm tin, điểm tựa vững vàng cho ngư dân yên tâm bám biển đánh bắt hải sản. Các chiến sĩ Trường Sa hãy tự hào về việc làm của mình. Cũng như chúng tôi luôn tự hào về việc làm của các đồng chí”.
Nguyễn Văn Trạng