- Phù dung/Phù du: Bài “Ngoại tình để chứng tỏ mình quyến rũ” đăng trên báo Phụ nữ TPHCM ngày 13-11-2007 có đoạn viết: “Ngoài những thứ phù dung đó…”. Thực ra, phải viết là “phù du” mới đúng vì “phù dung” là tên một loài hoa và trước kia, người ta còn gọi thuốc phiện là “ả phù dung”.
- Bộ hạ/Hạ bộ: VN Express ngày 13-10-2007 đăng bài “Cụ già 70 “thiến” tình địch”, trong đó viết: “…cắt bộ hạ của tình địch…”. Lẽ ra phải là “hạ bộ” mới đúng vì “bộ hạ” có nghĩa là “đàn em, tay sai”.
- Concour/Concours: Báo Phụ nữ TPHCM ngày 16-11-2007 đưa tin trên trang nhất: “Một Concour mùa thu im ắng!”. Ở đây phải viết là “Concours” mới đúng.
- Nói chung do khâu biên tập không kỹ nên báo chí ta còn đăng những bài có những lỗi chính tả khiến người đọc rất khó chịu. Trong bài thơ “Gọi dấu yêu” trên báo Thanh Niên ngày 4-11-2007 có những lỗi như “bỏ mặt” (bỏ mặc), “lại nge” (lại nghe). Càng phải thận trọng hơn khi sử dụng tiếng nước ngoài: có rất nhiều bài báo viết về bệnh tiểu đường “tuýp 2”. Đúng ra phải là “típ 2” (type 2) vì “tuýp” (tube) là cái ống.
Trần Hoài Giang (Q.Phú Nhuận)
- Nhà Triệu không phải là một vương triều của nước ta
Báo Pháp Luật TPHCM ngày 8-10-2007 đăng bài viết của tác giả Nguyễn Khắc Nhượng, trong đó có đoạn: “Triệu Đà (...) tuy là người Tàu, làm quan Đô úy của nhà Tần ở quận Nam Hải nhưng khi nhà Tần mất vào tay nhà Hán thì ông tự lập ra nước Nam Việt ở phương Nam, độc lập với nhà Hán, truyền qua 5 đời vua mới bị Hán Vũ Đế thôn tính, khởi đầu thời kỳ một ngàn năm Bắc thuộc của nước ta. Các sử gia ta như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên(...) đều xem Triệu Đà là vị vua khai lập nước Đại Việt...”.
Thật ra nhà Triệu chỉ là một vương triều cát cứ của Trung Quốc (từ năm 207 đến năm 111 trước Công nguyên) chứ không phải là một quốc gia độc lập như một số người hiểu lầm. Triệu Đà sinh năm 256, mất năm 136 trước CN (theo Đại Việt sử ký toàn thư), quê ở huyện Chân Định, thuộc Hà Bắc (Trung Quốc). Ông ta xuất thân là một quan chức của nhà Tần (lúc đầu giữ chức Long Châu lệnh, sau thăng Nam Hải úy). Sau khi Tần Thủy Hoàng mất (năm 210 trước CN), các phiên trấn nổi lên, Triệu Đà nhân đó thôn tính Quế Lân, Tượng Quận, sau lại đánh bại An Dương Vương, chiếm nước Âu Lạc, tự xưng là vua nước Nam Việt (năm 207 trước CN). Trong suốt 70 năm làm vua (năm 207 - 137 trước CN), Triệu Đà giữ mối quan hệ tốt, thần phục nhà Hán, chỉ có một thời gian ngắn tự xưng đế để chống lại chính sách cai trị của Lã Hậu (vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang), sau lại hòa hiếu như cũ.
Sau khi Triệu Đà mất, người kế vị ông là Triệu Hồ (không phải Triệu Mạt), tức Triệu Văn Vương (con của Trọng Thủy). Nhà Triệu truyền được 5 đời vua, người cuối cùng là Triệu Vệ Dương Vương, bị Hán Vũ Đế cho quân đánh bại và thôn tính năm 111 trước CN.
Trước đây, một số sử gia phong kiến nước ta đã có sự nhầm lẫn khi coi nhà Triệu như một vương triều của Đại Việt. Nhưng ngay từ thế kỷ thứ 18 , sử gia - danh sĩ Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) trong tác phẩm Đại Việt sử ký tiền biên đã xác định thời nhà Triệu là thời kỳ ngoại thuộc của nước ta. Các sách giáo khoa lịch sử của ta hiện nay cũng khẳng định điều đó. Do vậy, khởi đầu thời kỳ “Bắc thuộc” của nước ta phải được tính kể từ khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc, chứ không phải sau khi nhà Triệu bị nhà Hán đánh bại.
Phan Trọng Hiền (Q.Bình Thạnh)