Các đại biểu thống nhất việc thành lập tỉnh Gia Lai trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Bình Định và Gia Lai. Sau sắp xếp, tỉnh Gia Lai mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 21.500km², quy mô dân số trên 3,58 triệu người, với 135 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã và 25 phường. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh được đặt tại TP Quy Nhơn hiện tại.

Cùng với đó, các đại biểu cũng thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025. Theo kế hoạch, Bình Định sẽ giảm từ 155 xã, phường xuống còn 58 xã, phường. Các địa danh quen thuộc, gắn liền với lịch sử và văn hóa của tỉnh như: Bình Định, Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Bồng Sơn, Tam Quan, An Lão, Bình Khê, Đề Gi, Xuân An… sẽ được sử dụng đặt tên cho các đơn vị hành chính mới.
Kỳ họp cũng dành nhiều thời gian để thảo luận các vấn đề liên quan đến việc bố trí trụ sở hành chính sau sáp nhập, điều chỉnh tên gọi các xã, phường và công tác nhân sự. Đặc biệt, việc giữ lại tên xã Canh Vinh ở huyện Vân Canh được thống nhất để không ảnh hưởng đến định hướng phát triển khu đô thị - công nghiệp Becamex Bình Định đã được Thủ tướng phê duyệt.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, kỳ họp lần này có ý nghĩa đặc biệt, quyết định nhiều vấn đề lịch sử đối với sự phát triển của cả hai tỉnh. Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới sẽ có một không gian phát triển rộng mở, kết hợp tiềm năng Tây Nguyên với thế mạnh kinh tế biển Bình Định. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi giá trị nông sản, du lịch, công nghiệp và tăng cường kết nối quốc tế trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, hiện Trung ương đã giao Bình Định chủ trì, phối hợp với Gia Lai để xây dựng đề án sáp nhập, trình Chính phủ trước ngày 1-5. Trước mắt, hai tỉnh đang tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Về việc đặt trụ sở, trung tâm hành chính – chính trị các xã, phường sau sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đề nghị các địa phương cần khảo sát kỹ lưỡng vị trí đặt trụ sở hành chính sau sáp nhập, lựa chọn vị trí trung tâm, thuận tiện cho người dân đi lại, hạn chế tình trạng người dân phải vượt nhiều đèo, dốc để đến được trung tâm xã, phường. Nếu cần thiết, có thể xây dựng mới các trụ sở để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Kiến tạo 12 xã, phường động lực
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Bình Định sẽ chọn 12 xã, phường làm động lực phát triển mới. Qua đó, tỉnh sẽ chọn, sắp xếp những cán bộ đủ đức, đủ tài, nhìn xa trông rộng và tâm huyết để bố trí làm việc tại các xã, phường động lực này. Nếu sau 1-2 năm các địa phương không đạt yêu cầu phát triển đề ra, sẽ tiến hành thay đổi nhân sự.