Bộ đội Công ty 72 (Binh đoàn 15) và Đồn Biên phòng Ia Nan giúp dân thoát nghèo từ cây lúa nước

Bộ đội Công ty 72 (Binh đoàn 15) và Đồn Biên phòng Ia Nan giúp dân thoát nghèo từ cây lúa nước

Cũng như bao ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số Jrai khác trên địa bàn biên giới huyện Đức Cơ (Gia Lai), việc đưa cây lúa nước đến với người làng Tung (xã Ia Nan) được xem là “cuộc cách mạng” mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con.

Cây lúa nước kết duyên với buôn làng, không chỉ giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ mà còn tạo tiền đề quy hoạch ổn định vùng chuyên canh cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, để vừa xóa được đói, vừa giảm được nghèo, đúng với tâm nguyện của những người lính Công ty 72 (Binh đoàn 15) và Đồn Biên phòng Ia Nan đã ấp ủ từ nhiều năm qua.

Bộ đội Công ty 72 hướng dẫn dân làng Tung trồng lúa nước.
Bộ đội Công ty 72 hướng dẫn dân làng Tung trồng lúa nước.

Nằm trong khu vực biên giới, trình độ dân trí thấp, 150 hộ ở làng Tung chủ yếu canh tác theo thói quen và truyền thống lâu đời là trồng lúa rẫy, trong khi ở đây có cánh đồng rộng hàng chục hécta có thể trồng lúa nước, lại chỉ để cho… cỏ mọc.

Để thay đổi tư duy canh tác, giúp bà con trồng lúa nước thay vì trồng lúa rẫy là nhiệm vụ không dễ đối với những người lính Công ty 72 (Binh đoàn 15) và Đồn Biên phòng Ia Nan… Làm thế nào thu hút bà con canh tác trên cánh đồng đang bỏ hoang, trong khi mọi người lâu nay chưa biết kỹ thuật và thói quen canh tác lúa nước? Muốn biến một một cánh đồng bỏ hoang thành “bờ xôi ruộng mật” thì tiền đầu tư phải cả chục triệu đồng/ha, lấy đâu?

Đại tá Đặng Anh Dũng, Giám đốc Công ty 72, nhớ lại: “Những người lính chúng tôi cho rằng tạo ra chiếc “cần câu” và giúp kỹ thuật để bà con có thể “câu được cá” thì dù phải bỏ tiền của, công sức bao nhiêu cũng là việc đáng làm”.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2006, khi Công ty 72 phối hợp với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ia Nan tổ chức vận động các gia đình ở làng Tung tập trung mở rộng diện tích canh tác lúa nước. Mục tiêu đặt ra là mỗi hộ phải làm 1 - 3 sào để giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ.

Với cách thức “đầu tư trọn gói”, hỗ trợ bà con từ khâu khai hoang phục hóa cánh đồng đến chi phí mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu và thậm chí bộ đội đã trực tiếp cầm cuốc thay nhà nông trong khoảng thời gian đầu, cây lúa nước cứ thế mà từ từ “bén duyên” với người làng Tung.

Liên tiếp trong 2 năm đầu 2006 - 2007, Công ty 72 đầu tư gần 300 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công lao động giúp bà con làng Tung phát triển được 13,6 ha lúa nước tại các khu vực có khả năng canh tác lúa nước nhưng lại bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.

Nhờ gần gũi với bà con, tích cực bám ruộng bám đồng, bằng chủ trương “gắn đội sản xuất với thôn làng”, những người lính của Công ty 72 đã hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật, giúp bà con tự tin bắt nhịp với cây lúa nước, nâng cao năng suất cây trồng.

Chỉ sau 2 năm hưởng ứng phong trào trồng lúa nước do Công ty 72 phát động, người làng Tung đã có 2 cánh đồng đủ khả năng đưa máy móc cơ giới vào sản xuất, đạt năng suất bình quân gần 4 tấn/ha, giải quyết cơ bản lương thực tại chỗ, giúp bà con yên tâm tính đến chuyện làm giàu từ những cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê.

Ông Ksor Chiếc, Bí thư Chi bộ làng Tung, tâm sự: “Nhờ có cây lúa nước, bà con làng Tung không còn lo thiếu gạo ăn. Người dân làng mình bây giờ, ngoài công việc nương rẫy đã có nhiều gia đình có con tham gia làm công nhân cho Công ty 72 nên cuộc sống đã được cải thiện rất nhiều. Với sự quan tâm chăm lo của bộ đội, chắc chắn kinh tế của làng Tung sẽ phát triển mạnh hơn…”

GIA LINH - TRUNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục