*Phóng viên: Đề thi năm 2017 được cho là dễ, nên có “mưa điểm 10”. Nhưng năm nay thí sinh, giáo viên, nhiều chuyên gia đánh giá đề thi khó hơn hẳn năm ngoái, sẽ rất ít điểm 10. Phải chăng đề thi từ thái cực này sang thái cực khác, từ quá dễ sang quá khó?
*ÔNG SÁI CÔNG HỒNG: Năm nào đề thi cũng có dư luận. Đây là năm thứ 2 đề thi chỉ có duy nhất môn Văn tự luận, còn lại đề thi trắc nghiệm với mỗi phòng thi có 24 mã đề thi.
Về độ khó của đề thi, trước hết cần căn cứ nội dung. Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia, đó là đều nằm trong chương trình lớp 12, 11, chủ yếu là lớp 12. Tỷ lệ % nội dung lớp 12 khoảng 75-80%, lớp 11 khoảng 15- 20%, toàn bộ nằm trong chương trình phổ thông, không vượt quá chương trình các môn học.
Thứ 2, cấu trúc đề thi 2018 giữ nguyên, không thay đổi so với 2017: 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao nhưng vẫn nằm trong chương trình.
Các môn thi dù tự luận như môn Văn đều có các cấp độ từ dễ đến khó, với 4 cấp độ: nhận biết (ví dụ môn văn chỉ cần đọc, hiểu, liệt kê và trả lời là có điểm); thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Tương tự, đề thi trắc nghiệm của các môn cũng tuần tự từ dễ đến khó. Bên cạnh đó, Hội đồng đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo là đề thi 2018 phải tăng cường phân hóa. Vì thế, có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Như vậy, không phải tất cả đề thi khó mà có một số câu để dành cho học sinh khá giỏi làm, mục đích là để phân loại thí sinh.
Nói độ khó của đề tăng lên so với 2017 là đúng, vì năm nay mở rộng thêm kiến thức lớp 11. Nhưng đều này học sinh đã được thông báo từ đầu năm học. Năm nay, bộ cũng đã công bố đề thi tham khảo để thí sinh tham khảo về cấu trúc. Tôi nhấn mạnh, toàn bộ nội dung đều nằm trong chương trình.
*Nói thế tức là nếu năm sau đề có thêm kiến thức lớp 10 thì đề sẽ càng khó hơn?
* ÔNG SÁI CÔNG HỒNG: Đề thi khó-dễ tùy thuộc vào năng lực học sinh. Đề thi tốt không có nghĩa là đề thi mà tất cả thí sinh đều làm được, vì như thế là không phân hóa được năng lực các em. Nhưng đề thi mà tất cả các thí sinh không làm được cũng không tốt. Do đó, đề thi bảo đảm sự phân hóa mới là đề thi tốt.
*Đề thi môn Văn có nhiều câu hỏi khó, mở, đáp án sẽ ra sao?
* ÔNG SÁI CÔNG HỒNG: Đề văn cũng tương tự, cũng chia thành 4 cấp độ, có những câu hỏi đòi hỏi vận dụng cao thì độ khó cao. Nhiều năm qua Bộ đã ra đề mở rồi, đề mở thì đáp án cũng sẽ mở. Đáp án của Bộ công bố sẽ bảo đảm điều này.
Còn các câu hỏi tại sao chọn các tác phẩm để ra trong đề văn 2018 thì tôi chỉ có thể nói thế này, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Hai đứa trẻ đều nằm trong chương trình. Câu hỏi so sánh sự đối lập giữa 2 tác phẩm mà đề thi Văn yêu cầu thì chúng tôi đã trao đổi với tổ ra đề thi văn và khẳng định đó là câu hỏi đúng.
*ÔNG MAI VĂN TRINH: Câu hỏi mở thì đáp án cũng mở, những luận điểm của thí sinh nếu không trái với thuần phong mỹ tục, không vi phạm quy định pháp luật thì đều được chấp thuận.
*Thi trắc nghiệm nhiều mã đề thi, làm sao bảo đảm cân đối độ khó của các mã đề thi, vì thí sinh phản ánh có mã đề thi khó, có mã đề dễ?
* ÔNG SÁI CÔNG HỒNG: Chúng ta đã có 2 năm xây dựng ngân hàng đề thi và triển khai thi. Đến nay, có thể nói Mỹ là quốc gia có ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa nhiều nhất. Sự cân bằng độ khó trong đề thi chúng tôi học các tổ chức quốc tế. Họ có cả trăm năm để chuẩn hóa đề thi, chúng tôi cứ học dần, học dần từ năng lực ra đề thi, cân bằng độ khó.. Còn để giải thích cân bằng độ khó ra sao thì phải giải thích mấy ngày, vì liên quan đến thống kê, phân tích, nhập liệu…
Dĩ nhiên, tôi cũng nhấn mạnh chúng ta mới có 2 năm làm ngân hàng đề thi, vì thế chưa thể bảo đảm sự chuẩn tắc, cần có thêm thời gian để hoàn thiện.
*Với đề thi đó thì kỳ thi 2 mục đích có phù hợp hay không? Có nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương?
*ÔNG MAI VĂN TRINH: Kỳ thi là phù hợp với chủ trương đổi mới GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của TƯ Đảng, phù hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH-CĐ.
Luật Giáo dục quy định kỳ thi THPT quốc gia, chúng ta đang thực hiện theo luật. Hiện nay đang sửa luật thì cũng theo hướng tăng cường tự chủ cho cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Khi sửa luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn sẽ tiếp tục xem xét về đổi mới thi cử, trong đó bao gồm đề xuất có nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương hay không.
*Đề thi 2 môn thi thành phần đầu của tổ hợp môn KHTN, KHXH bị tuồn ra ngoài, có phải lọt đề, điều này cũng vi phạm quy chế thi?
* ÔNG MAI VĂN TRINH: Đây không phải là lộ đề, vì không phải xuất hiện trước khi thi. Còn đề ra ngoài sau khi thi xong là lọt ra ngoài, vì thế không ảnh hưởng đến các thí sinh.
Quy chế thi quy định các thí sinh được đưa vào thiết bị ghi hình chỉ có chức năng thu không có chức năng phát để thí sinh có thể tố cáo gian lận thi cử, rất có thể các thí sinh tự do sau khi thi các bài thi tổ hợp đã ra ngoài và phát đề ra ngoài. Điều này đặt vấn đề có nên cho thí sinh đưa thiết bị vào phòng thi hay không, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, xem xét.
Bộ GD-ĐT đã phối hợp với công an xem xét, đến thời điểm này thì chưa phát hiện tiêu cực, chưa phát hiện trường hợp gian lận công nghệ cao. Không có cán bộ coi thi nào bị xử lý kỷ luật.
Quy chế yêu cầu thí sinh phải nộp lại đề thi 2 môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, nhưng như tôi đã giải thích, vì thí sinh được phép mang thiết bị ghi hình chỉ có chức năng thu không có chức năng phát vào phòng thi, nên rất có thể các thí sinh tự do sau khi thi xong các bài thi thành phần đã ra ngoài và phát đề thi.
*Có một số thí sinh không dự thi được do bão lũ, sẽ giải quyết ra sao?
*Năm nay có 13 thí sinh vì bão lũ không đến dự thi được. Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Ban chỉ đạo thi quốc gia sẽ giải quyết theo hướng xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các em. Bộ sẽ thành lập hội đồng để xét.