Bộ GD-ĐT trình 2 phương án điều chỉnh giá bán lẻ sách giáo khoa: Phương án số 1 vẫn là tăng 10%

Bộ GD-ĐT trình 2 phương án điều chỉnh giá bán lẻ sách giáo khoa: Phương án số 1 vẫn là tăng 10%

Ngày 13-5, Bộ GD-ĐT đã chính thức trình 2 phương án liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ sách giáo khoa (SGK) lên Thủ tướng Chính phủ.

Phương án thứ nhất, Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai việc điều chỉnh giá bán lẻ SGK năm học 2008-2009 cho từng bộ sách với mức tăng không quá 10%, một bộ sách tăng thấp nhất là 3.300 đồng, cao nhất là 12.200 đồng.

Bộ GD-ĐT trình 2 phương án điều chỉnh giá bán lẻ sách giáo khoa: Phương án số 1 vẫn là tăng 10% ảnh 1

Sách giáo khoa tăng giá, học sinh và phụ huynh thiệt thòi. Ảnh: MAI HẢI

Đồng thời với “động tác” tăng giá, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo NXB Giáo dục dùng 8,5 tỷ đồng kinh phí tự có để cấp không và hỗ trợ giảm giá cho học sinh mua SGK sử dụng trong nhà trường (thư viện trường học, tủ SGK dùng chung). Trong đó, sẽ có khoảng 70.000 học sinh là con thương binh, liệt sĩ được cấp 1 bộ SGK với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng; mua khoảng 120.000 bộ SGK cũ hỗ trợ học sinh nghèo và thư viện trường học với kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng… Với các hình thức hỗ trợ trên, theo Bộ GD-ĐT, sẽ có khoảng 1,79 triệu học sinh được cấp phát SGK miễn phí và 1 triệu học sinh hưởng ưu đãi mua sách giảm giá.

Tại phương án 2, Bộ GD-ĐT đề nghị giữ giá bán lẻ SGK như năm học 2007-2008 và có biện pháp hỗ trợ phần chênh lệch giá cho NXB Giáo dục (khoảng 55 tỷ đồng trong số 76 tỷ đồng lỗ in SGK).

Trả lời câu hỏi của dư luận băn khoăn suốt những ngày qua về lý do đặt vấn đề tăng giá SGK trong thời điểm “nhạy cảm” này (lạm phát tăng cao, Chính phủ chỉ đạo giảm giá sách sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ vào tháng 4-2007), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo NXB GD thực hiện các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí trong hoạt động đấu thầu, cung ứng SGK. Cụ thể, NXB GD đã tổ chức đấu thầu rộng rãi in SGK với các nhà in trong cả nước để hạ giá thành; giảm 2% chi phí lưu thông trong hệ thống phát hành từ năm học 2008-2009…

Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào của SGK đã tăng liên tục trong nhiều năm nay như: giá giấy năm 2008 tăng 23%-41% so với 2006; tăng 14%-21% so với năm 2007, giấy bìa tăng 41% so với 2007… Tháng 3-2008, các nhà in đã ký hợp đồng sau trúng thầu có công văn đề nghị NXB tăng giá công in và “án binh bất động” chờ điều chỉnh. Về phía NXB GD, cũng đã có kế hoạch dự trữ giấy và điều chỉnh lãi thu nhập từ các hoạt động đầu tư kinh doanh khác để hỗ trợ lỗ in SGK. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, các đợt tăng giá giấy liên tục trước tháng 3, NXB GD có thể chịu đựng được nhưng đến tháng 3, giá giấy đã tăng trên 6% so với tháng 2 nên NXB “không tự xử” được. Với thời điểm giá cuối tháng 4, cộng với chi phí đầu vào, lỗ in SGK vào khoảng 76 tỷ đồng. Vì vậy, để giữ giá sách không tăng, phải bù lỗ cho NXB 55 tỷ đồng.

Về dư luận cho rằng NXB đang lãi lớn, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: lãi xuất bản SGK trong vòng 5 năm (2002-2006) là 243 tỷ đồng, trung bình lãi gần 50 tỷ đồng/năm, lãi suất trên vốn khoảng 20% nên không thể nói là “siêu lợi nhuận”. Đây là số liệu báo cáo của NXB GD và nếu báo chí phát hiện những con số này không trung thực thì Tổng giám đốc NXB phải chịu trách nhiệm. 

ANH NHI 

TPHCM: Chưa thu hồi sách giá mới

Chiều 13-5, ông Lê Kế Đức, Phó Giám đốc Công ty Sách – Thiết bị trường học TPHCM cho biết công ty chưa nhận được công văn hay chỉ đạo của NXB Giáo dục yêu cầu thu hồi sách giáo khoa (SGK) giá mới. Do vậy, các cửa hàng, đại lý của công ty vẫn bán đúng giá ghi trên bìa SGK của NXB Giáo dục (giá tăng 10% so với năm học trước).

D.DOANH

Tin cùng chuyên mục