Bỏ ngỏ quyền lợi phụ huynh

Hành trình đòi lại học phí của hàng trăm phụ huynh sau khi các cơ sở của hệ thống Anh ngữ Apax Leaders đóng cửa chưa đi đến hồi kết thì cuối tuần qua, mâu thuẫn càng lên đến đỉnh điểm khi trước hàng trăm câu hỏi chất vấn của phụ huynh, phía trung tâm lại tiếp tục hứa hẹn.
Nhiều người tập trung làm đơn gửi cơ quan chức năng về việc Trung tâm Ngoại ngữ Apax Leaders đóng cửa làm ảnh hưởng đến quyền lợi học viên. Ảnh: Báo Bình Dương
Nhiều người tập trung làm đơn gửi cơ quan chức năng về việc Trung tâm Ngoại ngữ Apax Leaders đóng cửa làm ảnh hưởng đến quyền lợi học viên. Ảnh: Báo Bình Dương

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc điều hành Apax Leaders, cho biết, từ đây đến hết tháng 5-2023, trung tâm sẽ hoàn tất việc rà soát học phí cho tất cả học viên. Học phí được hoàn trả thành nhiều đợt, đợt đầu tiên diễn ra vào ngày 9-6, các đợt tiếp theo vào ngày 20-7 và ngày 20-8. Dự kiến đợt hoàn trả học phí cuối cùng sẽ diễn ra trong tháng 4-2024. Như vậy, lộ trình hoàn trả học phí kéo dài trong ít nhất một năm trên cơ sở duy nhất là… lời hứa, chứ không có bất kỳ biên bản cam kết hay sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Nhiều phụ huynh có mặt tại buổi đối thoại cho biết không còn tin tưởng vào hứa hẹn của trung tâm, do từng bị thất hẹn nhiều lần trước đó. Câu hỏi được đặt ra là, nếu như trung tâm không đủ điều kiện hoàn trả học phí như lộ trình cam kết, quyền lợi của phụ huynh sẽ được giải quyết thế nào?

Thời điểm giữa năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải chuyển đổi qua hình thức học trực tuyến nhưng nhiều hệ thống trường tư thục trên địa bàn TPHCM vẫn “tính đúng, tính đủ” học phí đối với phụ huynh. Phụ huynh đã bày tỏ bức xúc bằng nhiều hình thức và gửi đơn khiếu nại đến Sở GD-ĐT TPHCM, các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc giải quyết mâu thuẫn giữa người học và đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, mỗi khi có sự vụ diễn ra, động thái duy nhất của cơ quan quản lý là tổ chức các đoàn kiểm tra, làm việc với các bên liên quan để nắm tình hình sự việc, báo cáo UBND TPHCM.

Một cán bộ của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sở chỉ quản lý về mặt chuyên môn, học phí được xem là thỏa thuận dân sự giữa phụ huynh và cơ sở đào tạo. Khi mâu thuẫn liên quan đến học phí trở nên gay gắt, các bên không tìm được tiếng nói chung, chỉ có một cách giải quyết duy nhất là nộp hồ sơ kiện ra tòa.

Hiện nay, đã có quy định sau khi các trung tâm ngoại ngữ, tin học được cấp phép hoạt động phải báo cáo tình hình hoạt động định kỳ 3 tháng/lần cho Sở GD-ĐT, song yêu cầu này chưa được nghiêm túc thực hiện. Ngoài ra, căn cứ theo điều 27, Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học ban hành kèm theo Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành, Sở GD-ĐT có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý khi có vi phạm…

Như vậy, hành lang pháp lý cho việc quản lý hoạt động của loại hình đào tạo này đã có, song trên thực tế đang bị cơ quan quản lý buông lỏng. Hậu quả là phụ huynh, học sinh vẫn đang đơn độc trên hành trình đòi lại quyền lợi của mình.

Tin cùng chuyên mục