Bộ Tư pháp không đủ thẩm quyền "tuýt còi" văn bản cấm ghi âm, ghi hình khi tiếp dân ​ ​

Tại cuộc họp báo sáng nay 28-1, Bộ Tư pháp cho biết đang đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật nhằm hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra văn bản pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp...

Đáng lưu ý, theo ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, “Bộ Tư pháp không đủ thẩm quyền ra quyết định, kiến nghị với cơ quan ban hành nội quy về tiếp công dân tại trụ sở với nội dung cấm ghi âm, ghi hình mà không được sự cho phép của người tiếp dân”.

Bộ Tư pháp không đủ thẩm quyền "tuýt còi" văn bản cấm ghi âm, ghi hình khi tiếp dân ​ ​ ảnh 1 Cán bộ Ban Tiếp công dân UBND quận 3, TPHCM tiếp công dân thường kỳ tại trụ sở. Ảnh minh họa
Kiến nghị sửa đổi Nghị định 167 về cho vay có cầm cố tài sản

Theo người phát ngôn của Bộ Tư pháp, ông Đỗ Đức Hiển, Bộ này cho rằng quy định hiện hành về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay) đến nay đã không còn phù hợp với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự năm 2015 (20%/năm/khoản tiền vay); chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay.

Chẳng hạn, hiện nay nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác, hay hình thức bốc họ (hụi)…   

“Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 để khắc phục những bất cập nêu trên. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hụi, họ, biêu, phường để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với pháp luật hiện hành”, ông Đỗ Đức Hiển thông tin.

Quy định ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân không trái Luật Tiếp công dân

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề "ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân", ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, việc Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp ban hành nội quy tiếp công dân là thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm do Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định.

“Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát tổng thể quy định này trên cả nước. Đến nay đã có 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân theo Luật Tiếp công dân. Quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có gần 30 địa phương nêu trong nội quy. Điều này có nghĩa là quy định đã được thực hiện từ khá lâu, từ nhiều năm rồi nhưng tới gần đây khi Hà Nội ban hành Quyết định 12 có nội dung như vậy thì dư luận mới quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều”, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ.

Vẫn theo ông Đồng Ngọc Ba, Luật Tiếp công dân không có quy định cụ thể và không có quy định về vấn đề cấm công dân được tiếp tại trụ sở trong việc quay phim chụp ảnh ghi âm. Tuy nhiên, trong luật này, tại Khoản 8 Điều 6 lại quy định nghiêm cấm vi phạm các quy định khác trong nội quy quy chế tiếp công dân.

Đồng thời trong quy định về nghĩa vụ của người dân được tiếp tại trụ sở nhấn mạnh, người dân khi tới trụ sở tiếp công dân nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và hướng dẫn của người tiếp công dân.

Lời văn thể hiện trong các quy định trên, kể cả của UBND TP Hà Nội ban hành không quy định cấm, nhưng yêu cầu khi công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm thì phải được sự đồng ý.

Luật Tiếp công dân và văn bản liên quan cũng không quy định cụ thể về giới hạn nội dung về nội quy tiếp công dân.

Ông Đồng Ngọc Ba cho biết thêm, trong buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội, đại diện các đơn vị Bộ Tư pháp và chuyên gia hàng đầu liên quan tới lĩnh vực này, lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có khuyến nghị với Thanh tra Chính phủ và TP Hà Nội rà soát thật kỹ để có giải pháp cho phù hợp cả về tính pháp lý và hợp lý.

Tóm lại, theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, với thẩm quyền trách nhiệm được giao, Bộ Tư pháp không đủ thẩm quyền ra quyết định, kiến nghị với cơ quan ban hành nội quy về tiếp công dân tại trụ sở.

Tin cùng chuyên mục