Bỗng dưng bị… huyết áp cao

Trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại TPHCM, nhiều người đã phải hoãn tiêm vì huyết áp quá cao, trong đó có nhiều người trẻ. Các bác sĩ cảnh báo, tăng huyết áp có thể do mắc “hội chứng áo choàng trắng” hoặc tiềm ẩn bệnh lý nguy hiểm.
Nhân viên y tế đo huyết áp cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19
Nhân viên y tế đo huyết áp cho người dân trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19

Hội chứng “áo choàng trắng”

Sáng 24-6, theo lịch hẹn, chị B.T.T. (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đến điểm tiêm ngừa tại một bệnh viện để được tiêm vaccine Covid-19. Sau các thủ tục đăng ký, tư vấn, đến bàn đo huyết áp, chị T. được thông báo huyết áp là 150/95mmHg và được đề nghị ngồi nghỉ ngơi, thư giãn, chờ huyết áp hạ xuống. Tuy nhiên, sau 4 lần đo, huyết áp của chị T. vẫn vượt mức cho phép, các bác sĩ đành phải hoãn tiêm. “Hàng năm, cơ quan tôi đều kiểm tra sức khỏe định kỳ và tôi không hề mắc bệnh cao huyết áp, nhưng không hiểu sao hôm nay huyết áp của tôi lại tăng cao như vậy, đành bỏ lỡ mũi tiêm vaccine”, chị T. chia sẻ. 

Trong đợt cao điểm tiêm vaccine tại TPHCM, nhiều người phải hoãn lịch tiêm vì bỗng dưng… bị huyết áp cao. Theo bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, có thể chị T. và những người này đang gặp phải hội chứng “áo choàng trắng”. Tăng huyết áp “áo choàng trắng” chỉ xảy ra tại phòng khám hoặc gặp nhân viên y tế, còn tăng huyết áp thật sự là huyết áp cao xảy ra trong nhiều thời điểm trong ngày. Trong số những người bị huyết áp cao, có khoảng 15%-30% có thể bị tăng huyết áp “áo choàng trắng”. Tưởng chỉ là hội chứng thoáng qua, nhưng bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước lưu ý, những người bị tăng huyết áp “áo choàng trắng” cũng tăng nguy cơ mắc đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc các tình trạng tim mạch khác, nhất là trong một thời gian dài. “Huyết áp của bạn có thể tăng tạm thời do lo lắng khi gặp một nhân viên y tế, vấn đề này đáng để lưu tâm vì có thể là dấu hiệu sớm của tăng huyết áp thực sự, có thể gây hại cho tim bạn nếu diễn tiến âm ỉ lâu dài. Hãy gặp một bác sĩ và tìm ra cách tốt nhất để vượt qua vấn đề này”, bác sĩ Phước khuyến cáo. 

Không nên chủ quan

Theo thống kê, tăng huyết áp ở người trẻ (dưới 35 tuổi) là dạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tỷ lệ người mắc khoảng 5%-12%. Tình trạng huyết áp tăng cao gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe và hiệu quả công việc. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp ở người trẻ làm sớm hình thành vữa xơ động mạch và tiến triển sớm các bệnh lý tim mạch. 

Bác sĩ Phan Thị Như Ngọc, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết, có khoảng 70% trường hợp tăng huyết áp ở người trẻ không có triệu chứng và chỉ tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một số bệnh nhân trẻ tuổi bị tăng huyết áp có triệu chứng rõ ràng như đau đầu dữ dội, tim đập nhanh, da tái nhợt, vã mồ hôi hay vọp bẻ, yếu liệt 2 chân… Những trường hợp này có mức huyết áp rất cao và thường có nguyên nhân xác định, có thể là do bệnh lý thận mạn tính, mất thăng bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu, bia... Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp ở người trẻ là hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động), béo phì, stress, lối sống ít vận động, ăn quá mặn...

Để phòng ngừa tăng huyết áp, các chuyên gia khuyến cáo, người trẻ tuổi cần thực hiện giảm cân nếu bị béo phì, có chế độ ăn ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ. Ngoài ra, nên giảm bớt khẩu phần trong mỗi bữa ăn chứ không nên giảm bớt số bữa ăn hàng ngày. Chỉ nên ăn không quá 2-4g muối mỗi ngày, không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị đái tháo đường, hạn chế ăn mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ... Bên cạnh đó, người trẻ cũng nên rèn luyện thân thể, thường xuyên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30-45 phút; giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái xúc động, lo âu, ngưng hút thuốc lá... Nếu phải điều trị, người bệnh nên tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người bệnh tăng huyết áp là một trong những đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc Covid-19.

Th.S-BS Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, lưu ý, nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt mỏi ngày càng tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp.

Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Tin cùng chuyên mục