Bỗng dưng... mắc nợ

Đây là tình cảnh hiện nay của hàng trăm cán bộ, giáo viên biệt phái ở Nghệ An.
Các giáo viên ở Mường Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hướng dẫn học sinh học bài ban đêm. Ảnh minh họa

Các giáo viên ở Mường Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hướng dẫn học sinh học bài ban đêm. Ảnh minh họa

Năm 2012, để giải quyết tình trạng thiếu chuyên viên, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 6612/UBND-TH hướng dẫn UBND các huyện, thị thực hiện biệt phái cán bộ, giáo viên từ các trường học về công tác tại phòng GD-ĐT. Những người được biệt phái hầu hết là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, người có chuyên môn giỏi ở các trường.

Khi lên công tác tại phòng GD-ĐT, ngoài công việc chuyên môn, những người này còn trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho viên chức ngành giáo dục, bồi dưỡng học sinh giỏi. Sau 6 tháng, những người giữ chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bị cắt phụ cấp chức vụ nhưng vẫn được chi trả các khoản phụ cấp đứng lớp (phụ cấp ưu đãi), phụ cấp thâm niên nghề.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An cho rằng việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo Công văn 6612/UBND-TH không còn đúng với Quyết định 42/2011/QĐ-TTg về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục, vì quyết định này hết hiệu lực năm 2015. Mặt khác, Công văn 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Vì vậy, việc các huyện, thị căn cứ công văn này để điều động, biệt phái viên chức về công tác tại phòng GD-ĐT và chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là sai quy định.

Đến ngày 14-6 vừa qua, Sở Tài chính đề nghị thu hồi hơn 10 tỷ đồng phụ cấp đã chi trả cho 281 cán bộ, giáo viên biệt phái trong 2 năm 2021 và 2022.

Ngày 7-8, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND các huyện, thị dừng chi trả các khoản phụ cấp của các viên chức biệt phái.

Việc bất ngờ bị truy thu và cắt tiền phụ cấp khiến hàng trăm giáo viên biệt phái ngỡ ngàng và hoang mang. Vì rõ ràng, họ được điều động, biệt phái là theo yêu cầu của cấp trên và việc họ được nhận phụ cấp là không vụ lợi.

Ngoài lo lắng vì phải trả lại tiền, việc bị cắt phụ cấp khiến thu nhập của giáo viên biệt phái giảm từ 30%-40%. Nhiều người đã và đang xin quay về trường, nhưng oái oăm thay, vị trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã có người khác đảm nhiệm. Một số người chấp nhận xuống làm giáo viên, nhưng không ít người muốn làm giáo viên cũng không được vì “không còn chỗ”. Họ lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trước sự việc trên, UBND huyện Diễn Châu đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các ban ngành, nêu rõ, việc dừng chi trả các khoản phụ cấp và truy thu số tiền đã chi trả đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên biệt phái. Như vậy, thu nhập của giáo viên biệt phái ở phòng sẽ thấp hơn nhiều so với giáo viên đang công tác tại trường. Ngoài ra, khi về hưu họ sẽ không được tính các khoản phụ cấp để hưởng bảo hiểm.

“Trước khi được biệt phái về phòng GD-ĐT, các giáo viên biệt phái đều là những cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn ở các trường. Vì vậy, nếu họ không có bất cứ một chế độ phụ cấp nào thì tạo nên sự bất bình đẳng trong đội ngũ công chức, viên chức ở phòng GD-ĐT”, văn bản nêu rõ.

Ngoài huyện Diễn Châu, đến nay đã có 14 huyện, thị cũng đề nghị không truy thu số tiền đã chi trả cho giáo viên biệt phái.

Tin cùng chuyên mục