Bóng ma suy thoái

Ngày 12-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ có biện pháp khẩn cấp để trợ cấp tài chính cho người lao động chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đồng thời hối thúc Quốc hội thông qua các biện pháp giảm thuế trong bối cảnh nền kinh tế đang lao đao trước dịch bệnh dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và sự lao dốc của Phố Wall.

Tổng thống Donald Trump cũng cho biết sẽ hướng dẫn Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ để hỗ trợ vốn và thanh toán cho các công ty bị tác động bởi dịch Covid-19 và hỗ trợ các khoản vay với lãi suất thấp.

Trước đó, tờ USA Today ngày 11-3 có bài phân tích nhận định nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008, kèm với với bùng nổ bong bóng bất động sản và tín dụng đang có nguy cơ xuất hiện trở lại ở Mỹ. Thị trường chứng khoán liên tục lao dốc. Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất cơ bản từ 1,5%-1,75% xuống còn 1%-1,25% và những biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ… Đây cũng là lần giảm lãi suất bất thường đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính thế giới 2008 mà không đợi đến cuộc họp thường kỳ (sẽ diễn ra vào ngày 18-3) khiến giới phân tích khá bất ngờ. Bởi trước đó, khi FED đưa lãi suất về 1,5%-1,75%, nhiều người đã dự đoán lạc quan việc giảm sẽ dừng ở mức này và có thể tăng trở lại do Mỹ vẫn có nền kinh tế tăng trưởng tốt, tỷ lệ lạm phát còn thấp hơn định hướng (2%/năm), tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm… Mức giảm lần này khá lớn so với các lần trước khẳng định các bước đi chính sách quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn khó khăn này. Nhiều dự đoán còn cho rằng, lãi suất cơ bản của Mỹ có thể giảm xuống mức thấp nữa trong thời gian tới.

Trong ngắn hạn, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump sẽ củng cố niềm tin nhà đầu tư, giúp thị trường tài chính tránh được những cú sốc, đảm bảo nền kinh tế không bị tác động quá tiêu cực. Việc cắt giảm lãi suất sẽ góp phần ngăn chặn sự sụt giảm đà tăng trưởng kinh tế cũng như sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán và vốn hóa trên thị trường, tác động giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần hạn chế tác động của dịch Covid-19 tại Mỹ. Tuy nhiên, cắt giảm lãi suất là một trong những nội dung của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng với các gói kích thích kinh tế có thể được đưa ra... sẽ làm cho lạm phát ở Mỹ tăng lên, thậm chí có thể vượt qua mức định hướng cả năm (2%).

Đối với nhiều người Mỹ, những ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và cuộc Đại suy thoái vẫn như bóng ma ám ảnh họ. Tuy nhiên, ông Gus Faucher, chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC cho biết, một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi, nhưng nó có thể diễn ra nhanh gọn và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc Đại suy thoái trước đây. Vì nó không phải là kết quả của nhiều năm yếu kém của nền kinh tế mà tác nhân của nó đến từ bên ngoài. Ông Faucher cho rằng, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, mặc dù giá nhà đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, nhưng chỉ cao hơn 22% so với mức đỉnh. Điều đó có nghĩa là với lãi suất thế chấp thấp, nhà ở có thể giúp bù đắp những rắc rối trong phần còn lại của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục