Đây là kết quả thu được trong khuôn khổ Diễn đàn Quản trị Internet diễn ra từ ngày 12 đến 14-11 tại Paris. Theo đó, Facebook đã đồng ý thử nghiệm chương trình trên trong 6 tháng đầu năm 2019. Một nhóm làm việc chung giữa Pháp và Facebook được thành lập gồm khoảng 10 người, ngoài một nửa là nhân viên Facebook, nửa còn lại gồm các kỹ sư và luật sư được Ủy ban quốc gia về kỹ thuật số lựa chọn từ các cơ quan chức năng của Pháp. Các thành viên có thể làm việc tại trụ sở châu Âu của Facebook tại Dublin (Ireland), hoặc trụ sở chính ở Menlo Park thuộc bang California, Mỹ.
Sự kiện là một bước tiến mới của Pháp trong cuộc chiến chống lại những nội dung mang tính kích động thù hận trên các mạng xã hội. Điện Elysée cho rằng đây cũng là cách để kiểm định những nỗ lực cần thiết của Facebook trong việc đấu tranh chống nội dung thù hận trên mạng xã hội. Thí điểm này sẽ là nền tảng cho sự hợp tác lâu dài và sâu rộng giữa tập đoàn công nghệ khổng lồ và chính quyền quốc gia, qua đó góp phần tạo ra một “sơ đồ quản lý mới”. Cả hai bên cũng không loại trừ khả năng mở rộng thử nghiệm sang các nội dung khác hoặc với các nước khác. Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, đây là lần đầu tiên, một tập đoàn công nghệ khổng lồ đã chịu “mở cửa” theo cách như vậy. Nếu sau 6 tháng thử nghiệm thành công, Tổng thống Macron hy vọng dự án thí điểm này sẽ được mở rộng cho các tập đoàn khác như Google, Apple và Amazon…
Thỏa thuận đạt được không lâu sau khi ngày 6-11, Facebook đã thừa nhận trang mạng xã hội này đã bị lợi dụng để kích động bạo lực bằng những tuyên bố và bình luận mang tính thù hận chống cộng đồng người thiểu số Rohingya ở Myanmar. Alex Warofka, quản lý chính sách sản phẩm của Facebook, cũng tuyên bố họ đã thất bại vì chưa làm hết sức để ngăn chặn nền tảng này bị lợi dụng để kích động bạo lực.
Cách tiếp cận vấn đề để giải quyết các nội dung mang tính thù hận trên mạng xã hội của chính phủ Pháp mang tính điều chỉnh, uyển chuyển hơn cách thức quyết liệt của Đức đã làm trước đây. Kể từ tháng 1-2018, Berlin đã yêu cầu các công ty hàng đầu như Facebook, Twitter, Google và Microsoft cùng đi đến thỏa thuận hạn chế chủ nghĩa cực đoan bằng cách xóa các bình luận mang tính tiêu cực trong vòng 24 giờ kể từ khi đăng tải hoặc bị phạt lên tới 50 triệu EUR. Hồi tháng 9, Chính phủ Anh cũng thông báo chuẩn bị ra luật Internet mới, buộc các hãng công nghệ phải chịu trách nhiệm pháp lý trước các nội dung đăng trên nền tảng mạng xã hội và có quyền trừng phạt những công ty không gỡ nội dung có phát ngôn thù địch trong vài tiếng. Sau đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng thúc đẩy thỏa thuận này trở thành quy định mới.
Tại Diễn đàn Quản trị Internet, Tổng thống Macron đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu khi ông kêu gọi các quốc gia ký vào một tuyên bố điều chỉnh toàn cầu để điều chỉnh không gian mạng, để không có chỗ cho chủ nghĩa tiêu cực trên đó.