Buồn cho nghề giáo viên mầm non

1.

1. Giờ tan học tại một trường mầm non tư thục.

Cô giáo (hai tay vòng trước ngực): Mẹ cho cô xin lỗi. Hôm nay trong lúc các con ra sân chơi, cô sơ ý để chân con quẹt vào bánh xe đạp của bạn bị chảy máu. Các cô đã rửa sạch vết thương và dán băng cá nhân để tránh nhiễm trùng. Mẹ cho cô xin lỗi.

Phụ huynh: Trời đất, lớp có mười mấy đứa mà cô trông coi kiểu gì để chân cháu bị thương?

Nói rồi phụ huynh cúi xuống xem xét vết thương trên ngón út bàn chân phải của con. Một vết thương không quá lớn, đủ để khi mẹ chạm tay vào cậu bé vẫn không kêu đau.

Cô giáo: Mẹ cho cô xin lỗi. Lần sau các cô sẽ chú ý hơn trong giờ các con ra chơi.

Phụ huynh: Chỉ trong giờ ra chơi thôi sao cô? Không được có lần sau nữa đâu.

2. Giờ ăn trưa.

Cô giáo: Con còn vừa ăn vừa ném cơm vào người bạn nữa là cô khẽ tay đó. Hành động như vậy không phải là bé ngoan.

Học sinh: Cô khẽ tay con, con về méc mẹ, mẹ méc hiệu trưởng cho cô nghỉ việc liền. Mẹ dặn rồi, cô nào đánh con cứ về méc mẹ, mẹ sẽ làm cho ra lẽ.

*  *  *

Trên đây chỉ là hai trong số những mẩu đối thoại chúng tôi ghi nhận được tại một trường mầm non tư thục ở quận Gò Vấp. Đây là một trong những ngôi trường được xem là “dành cho con nhà giàu” với học phí khủng, chương trình kết hợp giữa khung chương trình của Bộ GD-ĐT và chương trình học học tiếng Anh, kỹ năng sống của nước ngoài. Mỗi lớp học có sĩ số không quá 20 học sinh, phòng học khang trang với nhiều đồ chơi, trang thiết bị hiện đại. Thế nhưng trong môi trường hoàn hảo đó, giáo viên vẫn chịu áp lực không nhỏ từ việc ban giám hiệu thường xuyên giám sát mọi hoạt động thông qua camera. Riêng đối với phụ huynh, dù chỉ một sơ suất nhỏ (nhiều khi không phải lỗi giáo viên), các cô vẫn được yêu cầu phải xin lỗi theo đúng phương châm “khách hàng là thượng đế”. Nhiều lần chứng kiến cảnh trên, chúng tôi thấy buồn cho các cô giáo, vốn đã chịu nhiều áp lực từ công việc có nhiều tính chất rủi ro, khối lượng hoạt động trong ngày nhiều, đòi hỏi thời gian ở lớp nhiều hơn nhưng thu nhập vẫn thấp so với mặt bằng chung ở các bậc học khác.

Thời gian qua dư luận khá phẫn nộ trước những trường hợp giáo viên bạo hành học sinh ở trường mầm non. Vài ngày trở lại đây, cư dân mạng lại chuyền tay nhau những bức “tâm thư” được cho là của giáo viên mầm non giãi bày sự mệt mỏi, áp lực lẫn hy sinh trong công việc. Những chuyện như “trông con người mà bỏ bê con mình”, “ngày làm 10 tiếng nhưng thu nhập chỉ bằng người làm bán thời gian ở lĩnh vực khác” không phải chuyện hiếm. Nhưng khi đối mặt với thực tế, đã có bao nhiêu phụ huynh thấu hiểu nỗi khổ này của các cô giáo. Sau Nghị quyết 01/2014 về hỗ trợ giáo dục mầm non do HĐND TPHCM ban hành, mặt bằng thu nhập chung của giáo viên mầm non được cải thiện, song những áp lực trong công việc và sự thông cảm, chia sẻ của xã hội không phải là chuyện có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục