Quảng Trị

Cả làng đi “sờ gáy thần chết”

Cả làng đi “sờ gáy thần chết”

Thôn Tân Minh, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có 81 gia đình thì trong đó đã có hơn 60% số hộ đi làm nghề “sờ gáy thần chết”: rà tìm phế liệu. Kể cả các em học sinh, trong dịp hè, cũng tham gia vào công việc mạo hiểm này…

  • “Sờ” thần chết để... mưu sinh!
Cả làng đi “sờ gáy thần chết” ảnh 1
Em Sử đang dò tìm phế liệu ngay trước mảnh đất gần nhà

Thôn Minh Tân có 75ha đất nông nghiệp nhưng diện tích đất có thể canh tác thì chỉ là 20ha, chủ yếu chỉ cho thu hoạch một vụ đông xuân. Lý do chủ yếu là vì không có hệ thống thủy lợi đảm bảo cho việc tưới tiêu. Ngoài làm ruộng, người dân nơi đây không có bất kỳ một nguồn thu nhập nào khác. Do vậy, họ xem rà tìm phế liệu là “nghề” của mình, mặc dù biết là có thể mất cả mạng sống.

Chính cái “nghề” này đã giúp một số gia đình có của ăn của để, nhưng cũng không biết bao gia đình trở nên neo người sau những tiếng nổ rùng rợn của bom đạn còn sót lại sau chiến tranh. Từ cuối những năm 1990 đến nay, cứ sáng sớm người ta lại thấy hàng chục người trên những chiếc xe đạp lỉnh kỉnh cơm nước, máy dò rời làng mưu sinh. Dò tìm phế liệu được xem là công việc có nguồn thu nhập cao với người dân nơi đây, mỗi ngày nếu may mắn họ cũng có thể kiếm từ 80 đến 100 ngàn đồng tiền bán phế liệu. Phế liệu ở đây là những mảnh sắt, miếng nhôm nhưng cũng không thiếu những quả bom, trái đạn còn nguyên vẹn sau bao năm nằm sâu dưới lòng đất. Thời gian gần đây, khi nguồn phế liệu trong huyện đã bị đào bới cạn kiệt, họ lại dạt về các huyện Vĩnh Linh và ra cả phía Tây huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để dò tìm.

  • Bao giờ mới thoát cảnh khổ?

Về Tân Minh những ngày hè này, khá nhiều học sinh, sinh viên đang làm công việc nguy hiểm trên. Đúng 6g sáng, chúng tôi bắt gặp Hùng - sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải - đang cùng anh trai bắt đầu một ngày đi “sờ gáy thần chết”. Hùng tâm sự: “Mình về hè không có việc gì làm cũng phải theo anh trai đi làm cái công việc thử tim này, nhưng nếu không làm lấy gì để đóng học phí trong năm học sắp tới”. Vào sâu trong làng, trên diện tích đất hoang hóa, chúng tôi bắt gặp một em nhỏ đang mang chiếc máy dò rà đi rà lại mảnh đất dưới chân mình. Em là Nguyễn Quang Sử, học sinh lớp 10 thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Gio Linh. “Bữa ni xe thủng, em với cha không đi làm xa được nên ra đây kiếm ít sắt vụn thôi”, em Sử tâm sự.

Ông Phùng Thế Trường, trưởng thôn Tân Minh cho biết trong thôn đã có 2 người chết vì bom phát nổ và nhiều người bị thương. Theo ông, người dân biết nguy hiểm nhưng vẫn phải làm vì hệ thống thủy lợi ở đây quá kém, chỉ sống dựa vào cây lúa là không đủ. Ông đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, mong có hệ thống thủy lợi dẫn nước từ đập Trúc Kinh về nhưng đến nay vẫn chưa được. “Chỉ khi nào người dân có nước tưới tiêu để canh tác đất nông nghiệp của thôn thì mới mong không có người theo làm cái nghiệp ri”, ông buồn bã nói .

Viết Lam

Tin cùng chuyên mục