Giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh thành ĐBSCL liên tục sụt giảm chỉ còn từ 23.000 - 24.000 đồng/kg (cá loại nhỏ), trong khi giá thành nuôi vượt mức 25.000 đồng/kg. Đối với cá lớn có trọng lượng từ 1 - 1,2 kg/con trở lên giá chỉ 22.000 đồng/kg nhưng kêu bán chẳng ai mua. Hàng loạt hộ nuôi cá đang “chết đứng” vì lượng cá quá lứa tăng từng ngày.
Người nuôi... thiệt trăm bề
Ông Tư Chảnh, hộ nuôi cá chuyên nghiệp ở Lai Vung (Đồng Tháp) chua chát: “Không hiểu vì sao mấy ngày nay giá cá tra sụt dưới mức giá thành, như vậy 100% hộ nuôi cá đợt này lỗ trắng”. Kéo chúng tôi ra trang trại nuôi cá với sản lượng hàng ngàn tấn, ông Nguyễn Quốc Dư, thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho biết: “Hồi đầu tháng 5-2011 khi giá cá còn cao, tôi đã kêu bán lai rai, nhưng do nuôi sản lượng lớn nên không thể tiêu thụ hết cùng một lúc. Sau đó cá cứ sụt dần, cộng với doanh nghiệp hạn chế thu mua nên khó bán. Hiện thời, 9 ao cá với gần 1.000 tấn, trọng lượng bình quân khoảng 1 kg/con vẫn chưa bán được. Trong khi tiền thức ăn mỗi ngày tiêu tốn trên 200 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí khác. Tình hình này kéo dài sẽ nguy mất”.
Trường hợp người nuôi “khóc bên ao cá” như ông Dư đang rất nhiều ở An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… Bởi lâu nay mỗi khi cá rớt giá, các nhà máy chế biến áp dụng “chiêu” hạn chế thu mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt, gây tâm lý lo lắng cho người nuôi. Thế là nhiều hộ buộc lòng phải kêu bán tháo. Quy luật thị trường ùn ùn kêu bán kéo giá càng sụt là chuyện hiển nhiên. Ông Nguyễn Trạng Sư, Phó chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bức xúc: “Cách nay hơn một tháng, giá cá tra vẫn cao từ 28.000 - 28.500 đồng/kg, nhưng nay sụt còn 23.000 - 24.000 đồng/kg thật khó tin. Đặc biệt, những hộ đang ôm cá quá lứa thì vô cùng khó khăn vì không thể bán được. Càng để cá kéo dài người nuôi càng thiệt hại về giá và tốn kém hàng loạt chi phí khác”.
Đối với những hộ có cá chưa tới lứa thu hoạch cũng đang mất ngủ vì giá cứ tuột dốc không phanh. Ông Ba Đệ, khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) đang ôm 100 tấn cá, trọng lượng khoảng 700 gram/con, chi phí đổ vào đã hơn 2,3 tỷ đồng, hầu hết là tiền vay với lãi suất cao. Ông Đệ thừa nhận, vài ngày tới nếu giá cá không cải thiện thì lỗ coi như cầm chắc. Nếu tiếp tục thất bại, chỉ còn cách bán tài sản cũng chưa trả hết nợ.
“Tại anh hay tại ả”
Đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì giá quá thấp, nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL đổ lỗi cho các doanh nghiệp “đi đêm” với nhau nhằm kéo giá xuống. Còn doanh nghiệp cho rằng chính người nuôi tự làm khó cho mình, bởi thời điểm giá cao không chịu bán mà cố “ghim hàng” chờ tăng thêm. Đến lúc giá sụt thì tranh nhau bán, trong khi cá đã quá lứa nên doanh nghiệp không thể thu mua.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng, phân tích: “Hiện tại, Hoa Kỳ và châu Âu là 2 thị trường ăn hàng chủ lực của cá tra Việt Nam. Cả 2 thị trường này đều chuộng loại cá khoảng 800 - 850 gram. Riêng cá quá lứa từ 1- 1,2 kg/con trở lên chỉ xuất được sang Trung Đông, nhưng thị trường này tiêu thụ rất ít, lượng xuất chưa bao nhiêu. Đối với thị trường Nga trước đây cũng ăn cá lớn, tuy nhiên xuất sang Nga giá rất thấp, thanh toán chậm, rủi ro cao... nên doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà”.
Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho rằng: “Chuyện liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều năm nhưng tới nay chưa thống nhất. Tình trạng mạnh ai nấy làm vẫn phổ biến. Lúc cá được giá cao, doanh nghiệp than phiền người nuôi ghim hàng không bán, gây khó cho nhà máy. Ngược lại, lúc giá sụt người nuôi đổ lỗi cho doanh nghiệp đè giá, ép giá. Nếu không sớm giải quyết vấn đề này, tới đây nghề cá sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn. Cụ thể, sau đợt thua lỗ lần này sẽ kéo hàng loạt hộ tiếp tục bỏ nghề. Như vậy, lượng cá nguyên liệu đã thiếu - sẽ càng thiếu hơn trong thời điểm từ quý 3 đến cuối năm”.
Để cứu người nuôi cá, Ủy ban Cá nước ngọt thuộc VASEP, vừa họp khẩn với những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu bàn giải pháp nâng giá cá. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết từ đầu tháng 7-2011, tăng giá thu mua cá tra nguyên liệu loại 800-850 gram/con từ 24.000 đồng/kg (hiện nay) lên mức 26.000 đồng/kg; giá xuất khẩu cá tra đã định hình hoàn chỉnh sang thị trường châu Âu là 3,3 USD/kg, cá thịt đỏ là 2,3 USD/kg. Đối với lượng cá quá lứa đang tăng từng ngày, Ủy ban Cá nước ngọt đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng thu mua giúp bà con giảm lỗ, tuy nhiên giá cả dựa trên thỏa thuận giữa 2 bên.
Trong lúc ngành chức năng đang loay hoay “cứu giá cá”, thì một số doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ) đã chào giá bán sang châu Âu mức 3,2 USD/kg (dưới giá sàn). Chính điều này đã làm cho các nhà nhập khẩu “hoãn binh” không mạnh dạn ăn hàng như trước. VASEP cho biết, sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra chặt hơn, không để những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng lợi dụng cơ hội phá hỏng thị trường. Đối với các doanh nghiệp đã cam kết, nếu vi phạm phá giá xuất khẩu sẽ bị xử lý nặng.
HUỲNH PHƯỚC LỢI