
Sự xuất hiện ồ ạt các trung tâm thương mại mới ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… đang làm thay đổi từng ngày bộ mặt dịch vụ thương mại của các thành phố du lịch lớn ở Việt Nam (VN). Không chỉ vậy, đã xuất hiện nhiều dự án, hồ sơ đầu tư vào VN của các tập đoàn thương mại lớn trong khu vực.
Cuộc chạy đua của các đại gia
Cuối tháng 1 vừa qua, Tập đoàn Big C đã đánh dấu bước tăng trưởng mới tại thị trường VN với sự ra đời của siêu thị Big C

Siêu thị Big C Thăng Long tại Hà Nội. Ảnh: T.L.
thứ 4 tại thủ đô Hà Nội. Big C Thăng Long rộng hơn 12.000m2, vốn đầu tư lên đến 12 triệu USD, vẫn theo mô hình siêu thị tổng hợp, kinh doanh từ hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng, may mặc, bách hóa đến hàng hiệu trong và ngoài nước…
Tập đoàn này hiện quản lý đến 40 siêu thị tại Thái Lan và đang mong muốn sẽ phát triển với nhịp điệu tương tự trong tương lai không xa tại thị trường VN. Tổng Giám đốc Big C VN, ông Guy Lacombe cho biết, với 4 siêu thị lớn (2 ở TPHCM, 1 ở Đồng Nai, 1 ở Hà Nội ), Big C đang đặt kế hoạch doanh thu năm 2005 phải vượt ngưỡng 800 tỷ đồng.
Sau Big C là Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức). Tập đoàn này đang triển khai hàng loạt kế hoạch tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị mở thêm 4 siêu thị nữa tại Hà
Nội, Hải Phòng, TPHCM và Đà Nẵng trong năm nay.
Metro Cash & Carry với loại hình kinh doanh đặc biệt (chỉ nhắm vào đối tượng bán sỉ, các nhà buôn, giới kinh doanh), bán hàng số lượng lớn, giá thấp, hiện là đối thủ đáng ngại nhất của giới kinh doanh siêu thị trên thế giới cũng như tại VN.
Là tập đoàn siêu thị lớn đầu tiên đặt chân ra Hà Nội, Metro đã nhanh chóng “hút” khá đông khách hàng Hà Nội, và cũng chiếm luôn vị trí đầu bảng về doanh thu giữa thị trường Hà Nội còn nghèo nàn siêu thị 1 năm trước.
Những ngày gần đây, thị trường kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại lại “nóng” lên bởi sự xuất hiện của 1 đối thủ mới. Tập đoàn thương mại lớn nhất Malaysia - tập đoàn Parkson đã chính thức được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép đầu tư vào TPHCM.
Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 7 triệu USD, Parkson sẽ xây dựng 1 siêu thị và trung tâm thương mại có diện tích 2.000m2 tại khu vực trung tâm TPHCM. Tập đoàn này cũng đang đàm phán với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn để hợp tác khai thác hoặc thuê lại toàn bộ Trung tâm Thương mại Saigontourist.
Dự án này đang được đàm phán và có khả năng sẽ triển khai ngay trong năm nay. Dairy Farm - một đại gia khác trong ngành kinh doanh thương mại của Hồng Công cũng đang nộp đơn tại Bộ Kế hoạch-Đầu tư để “nhảy” vào thị trường VN. Tập đoàn này hiện có hơn 2.600 siêu thị khắp châu Á với doanh thu lên đến 4,5 tỷ USD/năm.
Trung tâm mua sắm của khu vực
Theo kết quả phân tích thị trường của một tập đoàn nước ngoài, thị trường bán lẻ và dịch vụ ở VN đạt doanh số mỗi năm gần 20 tỷ USD. 85% người dân ở TPHCM thích đi mua sắm ở siêu thị. Đó là chưa kể con số gần 3 triệu du khách quốc tế đến VN hàng năm.
Thị trường dịch vụ thương mại năm vừa qua tăng trưởng trên 11%. VN sắp gia nhập WTO và thị trường sẽ ngày càng nhộn nhịp khi hội nhập. Đây là những nguyên nhân khiến các tập đoàn siêu thị, thương mại lớn trong khu vực liên tục “dòm ngó” và chuẩn bị kế hoạch đầu tư vào VN. Tất nhiên, sự xuất hiện của các đại gia cũng báo hiệu một cuộc cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực siêu thị bắt đầu.
Tuy nhiên, trên góc độ người tiêu dùng, những tín hiệu này lại mang đến nhiều lợi thế. Giá hàng hóa trong siêu thị sẽ ngày càng rẻ hơn, cạnh tranh mang lại nhiều dịch vụ mới có lợi hơn. Sự có mặt của các đại gia trong lĩnh vực siêu thị, thương mại chắc chắn sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt thương mại của TPHCM, Hà Nội.
SONG ĐĂNG