Các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế: Còn đáng tin cậy?

Khả năng chuyên môn và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đang bị dư luận nghi ngờ khi ngày càng xuất hiện nhiều làn sóng chỉ trích gay gắt sự dễ dãi của các tổ chức này trong việc đưa ra bảng xếp hạng tín dụng.

Khả năng chuyên môn và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đang bị dư luận nghi ngờ khi ngày càng xuất hiện nhiều làn sóng chỉ trích gay gắt sự dễ dãi của các tổ chức này trong việc đưa ra bảng xếp hạng tín dụng.

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 26-7 đưa tin, liên tục trong thời gian gần đây, làn sóng chỉ trích tập trung vào 3 đại gia xếp hạng tín dụng là Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch.

Các hãng này bị chỉ trích không khách quan và phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng khi tiến hành phân định chỉ số uy tín của các tập đoàn, công ty chứng khoán và quốc gia. Điều này đã khiến dư luận quốc tế còn nghi ngờ đến khả năng có sự móc ngoặc với các ngân hàng đầu tư để trục lợi.

Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) vừa công bố một bản báo cáo dài 37 trang của cuộc điều tra kéo dài 10 tháng đối với các hoạt động của Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s, đã khẳng định 3 tổ chức này đã coi thường các quy tắc về xung đột lợi ích và chỉ chú ý đến lợi nhuận khi xếp hạng các loại chứng khoán. Ngoài ra, họ còn bị nghi ngờ có những hành vi sai trái khác.

Dù không còn tin tưởng vào bảng xếp hạng của các hãng nói trên, hiện nhiều nước như Nga, Trung Quốc và cả Liên minh châu Âu (EU) đang ráo riết vận động thành lập cơ quan xếp hạng tín dụng độc lập.  

H.XUÂN

Tin cùng chuyên mục