* Có thể hạ điểm sàn các ngành nông-lâm-ngư xuống 13 điểm
Sáng 8-8, sau hơn 2 giờ thảo luận, 30 thành viên của Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2007 đã thống nhất phương án điểm sàn như sau: khối A và B: 15 điểm, khối C: 14 điểm và khối D: 13 điểm. Điểm sàn đối với các khu vực kế tiếp giảm 0,5 điểm, đối với các đối tượng kế tiếp giảm 1 điểm. Điểm sàn các khối tương ứng của hệ cao đẳng thấp hơn đại học là 3 điểm.
Ngay sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng xác định điểm sàn đã trả lời một số vấn đề liên quan đến điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ.
* PV: Thưa Thứ trưởng, vì sao điểm sàn hai khối A, B năm nay lại cao hơn so với năm 2006?
* Thứ trưởng BÀNH TIẾN LONG: Hội đồng điểm sàn đánh giá rất cao kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007, đã loại được những thí sinh yếu kém khiến kết quả thi đạt cao hơn. Năm nay, điểm thi và phân bố điểm khá đồng đều. Đỉnh các phổ điểm khối A và B đã dịch sang bên phải, tỷ lệ phần trăm đạt trên trung bình (15 điểm) đã cao hơn năm trước, cụ thể: tỷ lệ điểm thi từ trung bình trở lên của thí sinh khối A đạt xấp xỉ 32%, khối B đạt trên 40%. Do đó, điểm sàn xét tuyển đối với 2 khối này nhích hơn so với năm 2006.
Hội đồng điểm sàn đã xem xét kết quả thi trong toàn hệ thống, có lưu ý đặc biệt đến các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và cả các trường những năm trước đây có khó khăn trong tuyển sinh nhằm đảm bảo nguồn tuyển sinh cho những khu vực này. Với điểm sàn nêu trên, sẽ có trên 370 ngàn thí sinh đủ điểm sàn xét tuyển ĐH 2007. Tuy nhiên, sau khi tính ưu tiên khu vực, đối tượng, số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển sẽ nhiều hơn con số trên. Bên cạnh đó, đối với khối B của các ngành nông - lâm - ngư, Hội đồng điểm sàn cũng đề xuất nên hạ điểm sàn xuống còn 13 điểm nhằm tạo điều kiện cho các trường thuộc ngành này có đủ nguồn tuyển. Đề xuất này sẽ được báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.
* Với mức điểm sàn này, tình hình xét tuyển nguyện vọng 2 của các trường sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
* Bộ GD-ĐT xây dựng điểm sàn với mục tiêu đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH, CĐ. Còn việc quyết định điểm chuẩn trúng tuyển là do các trường ĐH, CĐ tự chủ hoàn toàn. Nhưng theo tính toán, nguồn tuyển nguyện vọng 2 của các trường rất cao, ví dụ khối B có 103.388 thí sinh có kết quả thi từ sàn trở lên, trong đó có trên 20.000 thí sinh trúng tuyển NV1 thì nguồn tuyển dư ra lên tới trên 83.000 thí sinh (hệ số luân chuyển đạt gần 63)...
* Năm nay, một số trường ĐH tiếp diễn cảnh rất nhiều thí sinh điểm cao (27 điểm) vẫn trượt ĐH. Liệu Bộ có cho phép các trường này có được tuyển sinh ngoài ngân sách như mọi năm?
* Đến giờ phút này vẫn chưa có trường nào đề xuất bằng văn bản với Bộ về việc tuyển sinh ngoài ngân sách. Tuy nhiên, chúng tôi thấy những trường hợp các em có điểm thi từ 25-27 điểm không đỗ ĐH NV1 thì các em vẫn còn cơ hội xét tuyển NV2. Bên cạnh đó, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cũng đã làm một thống kê cho thấy có tới 200.000 thí sinh thi cả 2 khối A và B đều đạt điểm cao nên rất khó có khả năng thí sinh điểm cao lại trượt đại học. Bộ GD-ĐT cũng khuyếân nghị các trường có điểm trúng tuyển NV 1 dưới 18 điểm cần dành 10%-15% chỉ tiêu cho việc xét tuyển NV 2, 3.
* Dù đã có quy định điểm sàn khá rõ ràng, nhưng năm nào cũng xảy ra hiện tượng các trường “xé rào” tuyển cả những thí sinh không đủ điểm sàn. Hiện tượng này có được khắc phục trong kỳ thi tuyển sinh năm nay không, thưa Thứ trưởng?
* Quy chế đã nêu rõ đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm, nhưng không quá 2 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết. Đối với các trường CĐ hoặc các khối đào tạo ĐH-CĐ theo địa chỉ sử dụng, và đối với các trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, được phép định điểm trúng tuyển theo tỉnh, huyện, với mức chênh lệch điểm giữa các tỉnh, huyện (chênh lệch khu vực) lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 2 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Theo tôi, sẽ không xảy ra hiện tượng “xé rào” vì điểm sàn đã cân đối hết cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội cũng như nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của các địa phương.
* Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng các “tốp dưới”, các trường dân lập vẫn khó tuyển sinh?
* So với 194.504 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ của năm 2007, số thí sinh từ điểm sàn trở lên chiếm tỷ lệ gần 200% (tương đương với trên 370.000 thí sinh). Tỷ lệ này cũng sẽ đảm bảo “an toàn” đối với những vùng khó tuyển như đồng bằng sông Cửu Long.
* Xin cám ơn Thứ trưởng!
ĐINH LAN
Thông tin liên quan:
-ĐH Bách khoa TPHCM công bố điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 2
-Các trường ĐH - CĐ tiếp tục công bố điểm thi
-Hôm nay, 8-8, công bố điểm sàn xét tuyển sinh ĐH, CĐ 2007
-Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường ĐH phía Nam