Cái mới đến từ những điều cũ

Một câu chuyện với mô típ cũ về làng quê Bắc bộ Việt Nam, về thân phận con người từ những năm giữa thế kỷ trước, được tái hiện một cách dung dị, đủ khiến khán giả ngồi lại đến phút chót. Hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam
Cái mới đến từ những điều cũ

Phim Cuộc đời của Yến

Một câu chuyện với mô típ cũ về làng quê Bắc bộ Việt Nam, về thân phận con người từ những năm giữa thế kỷ trước, được tái hiện một cách dung dị, đủ khiến khán giả ngồi lại đến phút chót.

Hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam

Cái mới đến từ những điều cũ ảnh 1

Diễn viên Thúy Hằng trong phim Cuộc đời của Yến


239 ghế suất chiếu Cuộc đời của Yến lúc 21 giờ tại cụm rạp Galaxy Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 không còn một chỗ trống, thậm chí nhiều khán giả phải ngồi ghế phụ và đứng xem phim. Số đông khác phải ra về khi không thể vào xem tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng TPHCM. Trong số những khán giả đến rạp, có người lớn tuổi chống gậy vào xem phim và có không ít những gương mặt sinh viên của các trường đại học, cao đẳng. Tất cả đều ngồi đến phút cuối, khi ca khúc chủ đề của bộ phim do ca sĩ Lê Cát Trọng Lý thể hiện, vang lên trong tiếng pháo tay.

Lấy bối cảnh làng quê Bắc bộ Việt Nam từ giữa thế kỷ trước, phim bắt đầu khi Yến - một cô bé nông thôn xinh xắn phải về nhà chồng khi mới 10 tuổi. Kể từ đó, cuộc đời cô gắn liền với những thăng trầm của gia đình nhà chồng, gắn liền với Hạnh - người chồng kém cô 1 tuổi. Truyện phim với 3 phần được phân chia rõ rệt: Yến khi mới về nhà chồng, khi trở thành thiếu nữ và cuối cùng, 15 năm sau trở thành bà mẹ của 3 đứa con. Nếu hai phần đầu chỉ là phần mở đầu câu chuyện với những lát cắt nhẹ nhàng, chóng vánh thì toàn bộ sức nặng được dồn vào phần 3. Ở đó, những tưởng Yến sẽ có cuộc sống hạnh phúc, ấm êm bên chồng - con nhưng chính tính cương trực, thẳng thắn của Hạnh đã đẩy cả gia đình đến cảnh phải bán hết đồ đạc trong nhà để trả nợ nhưng nợ nần vẫn chồng chất. Khi Hạnh quyết định rời làng quê đi vùng kinh tế mới, gánh nặng không chỉ dồn lên vai Yến mà tin tức chồng ngoại tình ập đến, khiến người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy có lúc tưởng chừng hóa điên... 

Điểm nổi bật toát lên từ Cuộc đời của Yến chính là sự hy sinh âm thầm, sức mạnh vươn lên của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, họ vẫn luôn có những nỗi đau giấu kín, niềm khao khát cháy bỏng được yêu thương và sẵn sàng gìn giữ hạnh phúc gia đình bằng mọi cách có thể...

Một bộ phim hài hòa

Cuộc đời của Yến được chấp bút dựa trên nguyên mẫu kịch bản Vàng - Đá, lấy cảm hứng từ chính cuộc đời bà nội của biên kịch trẻ Hồ Hải Quỳnh. Ngay từ tên gọi đã gợi lên bao suy tư, tò mò nơi khán giả bởi phim không chỉ là những lát cắt về cuộc đời người phụ nữ tên Yến mà còn là cuộc đời của những người sống bên cạnh cô, là thực tế xã hội thời bấy giờ.

Với những thước phim đẹp về làng quê Bắc bộ Việt Nam, nơi có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, bến nước với cây đa thân quen, ngôi nhà cổ trầm mặc, những chum nước, nồi đất, chõng tre, chiếc loa phát thanh cũ kỹ... đã có không ít người so sánh phim với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhưng thiết nghĩ,đó là khập khiễng bởi đâu phải đến Cuộc đời của Yến, trước đó những thước phim trong Ma làng, Đất và người, Gió làng Kình... thì nét dung dị, mộc mạc làng quê ấy đã được khắc họa, có khác chăng không được nên thơ đến thế. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ, sau khi nhận kịch bản, anh đã đi Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... chọn bối cảnh trước khi quyết định dừng chân ở Mê Linh (Hà Nội) và một phần ở Bắc Ninh, Hòa Bình. Ngoài những cảnh có sẵn, trong vòng 3 tháng đoàn phim phải cải tạo, khi dựng sử dụng thêm kỹ xảo nhưng tất cả đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự mộc mạc để làm nên hồn quê. Cùng với những khung hình đẹp, âm nhạc của bộ phim cũng là điểm cộng đáng khích lệ.
Một số ý kiến cho rằng, cách dàn dựng kiểu trật tự tuyến tính thời gian trong phim không thật sự thú vị, bởi nhịp điệu câu chuyện khá chậm, những cao trào cũng chưa được đẩy lên đến kịch tính. Bản thân đạo diễn tiết lộ, trước khi quyết định cách dựng một chiều này, anh đã thử đan xen giữa hiện tại, quá khứ nhưng kết quả, cảm xúc khá chông chênh, không tạo nên sự liền mạch. Điều tiếc nuối và cũng là hạn chế mà Đinh Tuấn Vũ đề cập là nếu hai giai đoạn đầu trong cuộc đời Yến có những chi tiết, chấm phá đắt giá, có lẽ bộ phim sẽ làm khán giả hài lòng hơn. 

Nếu trong Những đứa con của làng, Thúy Hằng chiếm trọn vẹn tình cảm của người xem thì nhân vật Yến lần này của cô chưa tạo nên ám ảnh cho khán giả, dù cô diễn tròn vai. Dù Yến có rất nhiều trường đoạn khiến khán giả phải lặng người: cảnh gào thét giữa căn phòng đầy trang sách, cảnh Yến ngây dại bên giếng trong đêm, cảnh cô gặp lại chồng và cô “vợ hờ”... nhưng giá như, Thúy Hằng diễn sâu về mặt nội tâm sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn. Trong tuyến nhân vật, vai Hạnh khi trưởng thành (Lâm Tùng) và các diễn viên nhí trong phim cũng tạo nên sự cộng hưởng hài hòa.

So với bộ phim đầu tay Và anh sẽ trở lại còn hạn chế, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã có những bước tiến về nghề với Cuộc đời của Yến. Chính đạo diễn cũng nhìn nhận rằng, mình đã làm tốt hơn trong việc kiểm soát diễn viên, lựa chọn âm nhạc và bối cảnh... Giải thưởng Bông sen bạc cho bộ phim Cuộc đời của Yến khá xứng đáng. Còn quá sớm để dự đoán doanh thu phòng vé cho bộ phim này, nhưng có lẽ dư âm về những suất chiếu đầy ắp khán giả trong thời gian phim trình chiếu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, cũng góp phần lôi kéo khán giả đến với bộ phim khi Cuộc đời của Yến chính thức ra rạp thời gian tới.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục