Cải thiện môi trường làm việc

Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình phát triển nguồn nhân lực (giai đoạn 2011 - 2015) mà Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX đề ra, đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp và có nhiều chính sách thu hút nhân tài, giữ chân người giỏi làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nhìn lại 2 năm rưỡi qua cho thấy, chương trình này đã và đang phát huy tác dụng, từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên có việc cần suy ngẫm về cách làm chưa thật đúng ở một số cơ quan, đơn vị.

Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình phát triển nguồn nhân lực (giai đoạn 2011 - 2015) mà Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX đề ra, đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp và có nhiều chính sách thu hút nhân tài, giữ chân người giỏi làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nhìn lại 2 năm rưỡi qua cho thấy, chương trình này đã và đang phát huy tác dụng, từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên có việc cần suy ngẫm về cách làm chưa thật đúng ở một số cơ quan, đơn vị.

Lãnh đạo một số đơn vị cho rằng, cứ trả lương “khủng” sẽ thu hút người tài, giữ chân người giỏi. Có thu nhập cao là cần thiết, nhưng đó không phải là tất cả. Điều những người giỏi rất quan tâm, đó là môi trường làm việc thân thiện để cùng nhau hợp tác làm việc và phát triển. Hỏi một thạc sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài, đã xin nghỉ việc ở một sở, anh này bộc bạch, anh bỏ ra ngoài làm vì cách đối xử giữa người với người, giữa cấp trên và cấp dưới ở cơ quan anh. Người dám làm thì không ai bảo vệ, còn người nhát gan thì được cất nhắc. Có người khuyên anh cần phải “quan hệ” với cấp trên thì mới trụ vững lâu dài được…

Một giáo sư Việt kiều là giảng viên đại học ở Nhật về nước làm việc và ông thấm thía nhiều bài học vì tính ngay thẳng của ông. Vị giáo sư này có thói quen nói sự thật, cứ thấy chướng tai gai mắt là ông nói. Lãnh đạo cơ quan thấy sai, có tiếp thu, hứa sửa chữa. Nhưng càng ngày, sự thật lại đưa đẩy ông rơi vào tình cảnh bất an. Về sau, ông hiểu ra, nhiều người có quyền lực lại sợ sự thật, chỉ quen độc thoại chứ không quen đối thoại, tranh luận, nhất là khi được góp ý những điều chưa tốt. “Thành ra, người nắm quyền lực nếu không cởi mở, thiện chí và có tâm trong sáng thì chẳng ai dám nói thẳng, nói thật”, nhà trí thức này bày tỏ. GS Trần Quốc Vượng kể rằng, người Việt Nam có nhiều đức tính tốt, nhưng tâm thức tiểu nông đang làm cản trở lẫn nhau, cùng kéo nhau thụt lùi, đó là tính hẹp hòi (ích kỷ hại nhân), tính đố kỵ (níu kéo lẫn nhau), tính bè phái (kéo bè kéo cánh), tính đại khái (không bao giờ chính xác) và thích sống theo lệ hơn theo luật…

Do vậy, việc tạo môi trường làm việc thân thiện, mang tính hợp tác cao, chuyên nghiệp, tạo mối quan hệ tốt giữa các thành viên, giữa cấp trên và cấp dưới sẽ tác động không nhỏ đến quyết định đi hay ở của người tài, cán bộ giỏi.

HUỲNH ĐẠT

Tin cùng chuyên mục