Cảm xúc chốn linh thiêng

Cảm xúc chốn linh thiêng

Cơn mưa dai dẳng suốt từ sáng sớm không ngăn được dòng người đổ về Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (đình Bình Đông, phường 7 quận 8, TPHCM) dự mít tinh kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Tôn. Đi đò vượt qua con sông nhỏ, cảm xúc của người dân đến với Bác Tôn càng thêm sâu đậm: nơi ngọn cây cao vút kia là nơi lá cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay vào năm 1930.

Cảm xúc chốn linh thiêng ảnh 1

Đông đảo người dân đến dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày sinh của Bác Tôn.

Quận 8 có một vinh dự lớn là trong khoảng thời gian từ năm 1925 đến năm 1929, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã chọn đình Bình Đông (phường 7, quận 8) làm nơi hội họp và làm địa điểm liên lạc của Công hội vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Thông qua trạm thông tin liên lạc tại Bình Trị Đông, sách báo tài liệu cách mạng được phân phát đi khắp nơi, góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và nâng cao giác ngộ cách mạng cho công nhân lao động.

Năm 1929, khi tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội của thành phố Sài Gòn ra đời, Bác Tôn đã hướng dẫn một số anh em đồng chí thành lập tổ chức Công hội tại hộ 17 (ở phường 7, quận 8 ngày nay). Năm 1930, cũng tại nơi này, lá cờ đỏ búa liềm đã phất phới tung bay tại ngọn cây cao nhất của đình Bình Đông…

Những dấu ấn lịch sử đậm nét ấy đã khiến nơi đây thật linh thiêng trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Tôn năm nay.

Hòa trong dòng người đến tham quan nhà tưởng niệm, ông Phan Văn Phú, 75 tuổi, cựu chiến binh phường 16 quận 8 cứ đứng mãi ở tủ trưng bày hiện vật về Bác Tôn. Đây là lần đầu tiên ông đến đây. Ông tâm sự: Tôi đã từng đến nhà tưởng niệm Bác Tôn ở tận Long Xuyên (An Giang). Ấn tượng lớn nhất của tôi khi đến đây, được xem những tư liệu quý về Bác Tôn là vô cùng xúc động. Người thợ cả của giai cấp công nhân Việt Nam qua những tư liệu ở đây thật bình dị…

Với chị Dương Thị Kim Thảo (nhân viên Quỹ trợ vốn CEP Liên đoàn Lao động quận 8) thì: “Điều khiến tôi bất ngờ và tự hào nhất là mảnh đất nơi mình đang đứng một thời đã in dấu chân của Bác Tôn và những người đồng chí của Bác ở Công hội Sài Gòn - Chợ Lớn, là nơi Bác thường họp bàn với anh em, đồng chí để tìm cách giải phóng cho nước nhà”.

Trong dòng người đến viếng thăm, thắp nhang tại nhà tưởng niệm Bác Tôn có rất đông những chiếc áo xanh tình nguyện. Một trong số đó, anh Nguyễn Trọng Nghĩa nói: “Ấn tượng sâu sắc nhất của đoàn viên thanh niên chúng tôi đối với Bác Tôn là sự giản dị, ân cần. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn là tấm gương cao đẹp về tinh thần hy sinh vì sự nghiệp của Đảng và hạnh phúc của nhân dân, là tấm gương sáng ngời của giai cấp công nhân về lòng yêu nước, thương dân, trung thành tận tụy cùng những đức tính giản dị, trong sáng của một người cộng sản kiên cường, mẫu mực. Bác mãi là tấm gương sáng để thanh niên chúng tôi noi theo và học hỏi”. 

T.THẢO - T.AN 

An Giang long trọng tổ chức lễ viếng và dâng hương tưởng niệm Bác Tôn

(SGGP).- Sáng nay 20-8, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang long trọng tổ chức lễ viếng và dâng hương tưởng niệm Bác Tôn tại tượng đài của Người ở trung tâm TP Long Xuyên và đền thờ Người tại xã Mỹ Hòa Hưng - quê hương Bác Tôn (cù lao Ông Hổ, TP Long Xuyên). Sau lễ dâng hương, diễn ra lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Hội trường UBND tỉnh An Giang.

* Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long vừa xây dựng phòng trưng bày chuyên đề về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mở cửa phục vụ khách tham quan từ sáng 18-8.

Đ.TUYỂN - T.T.HẰNG

Tin cùng chuyên mục