Sổ tay

Cần chấm dứt kiểu tiêu tiền cho kịp... tiến độ!

Thời gian gần đây, PV Báo SGGP đã ghi nhận có khá nhiều cuộc hội thảo tiến hành theo kiểu nửa vời. Kết quả như thế nào và có bao nhiêu người tham dự thì khỏi cần tính đến. Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng vừa diễn ra sáng 17-7 do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) tổ chức là một điển hình.

Theo chương trình, hội thảo sẽ khai mạc vào lúc 9 giờ, nhưng mãi đến 9 giờ 30 phút căn phòng khá rộng của Khách sạn Kim Đô mới chỉ có khoảng chừng 20 người, trong số đó có tới 10 phóng viên các báo đài và 1 sinh viên đến dự! Phía khách mời cũng chỉ có 4 người đến từ hội tiêu dùng, số còn lại là người của ban tổ chức. Điều đáng lưu ý, dù chủ đề hội thảo đã khá rõ ràng, song các đại biểu vẫn “thao thao bất tuyệt” kể công từ hội của mình, chẳng có ai đưa ra ý kiến để đóng góp cho pháp lệnh… Do có quá ít khách mời nên tài liệu in ra bị dư khá nhiều, có đại biểu đã lấy tới 2, 3 bộ cũng chẳng sao.

Trước đó, ngày 27-1-2007, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng tổ chức tọa đàm về dịch vụ phân phối dưới góc độ cạnh tranh. Đây là một đề tài “nóng”. Cánh báo chí cũng hồ hởi đến cuộc tọa đàm, hy vọng sẽ có một bài viết tốt. Tuy nhiên, khi tới Khách sạn Rex, chúng tôi té ngửa vì nhìn tới nhìn lui thấy toàn là đồng nghiệp với nhau.  Số khách mời ít ỏi, ngồi lọt thỏm trong căn phòng rộng mênh mông. Sau cuộc họp, chúng tôi điện thoại chất vấn lãnh đạo của một sở vì sao không tham dự cuộc họp. Ông thẳng thắn: “Tôi đã dự quá nhiều cuộc họp do đơn vị này tổ chức. Nhìn chung là không hiệu quả. Không có hội thảo nào tổ chức vào ngày thứ bảy cả. Tôi có cảm tưởng họ chỉ tổ chức các cuộc họp cho đúng với tiến độ công việc và để hợp thức hóa các văn bản pháp quy. Cách tiêu tiền kiểu này xem ra quá xa xỉ!”. Được biết, chi phí cho mỗi cuộc họp tại các khách sạn hạng 4 sao, 5 sao tốn hàng chục triệu đồng.

Có thể khẳng định, việc tổ chức các hội thảo rất cần thiết. Đây là cầu nối giữa cơ quan chức năng với DN để tuyên truyền những chủ trương chính sách mới, đồng thời cũng là kênh để các DN đóng góp, phản ánh những bất cập từ thực tế. Nhưng với những cuộc họp nửa vời như vừa nêu trên thì cần chấm dứt càng sớm càng tốt vì nó không những không mang lại hiệu quả mà còn làm mất thời gian của khách mời. Nói cho đúng, những cuộc họp này chỉ đáp ứng nhu cầu… tiêu tiền cho kịp tiến độ của nhà tổ chức mà thôi.

Tôi cũng rất thấm thía với những trăn trở của TS Lê Đăng Doanh qua bài viết “Ngắm cảnh và nói thật” trên báo Tuổi trẻ ngày 10-7-2007. VN chưa phải là con hổ và còn rất xa mới trở thành con rồng. GDP/người của VN còn khoảng cách rất xa so với các nước trong khu vực. VN cần phải học lại bài của các nước đã hóa rồng là phải tiết kiệm và đầu tư có hiệu quả…

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục