Cần công khai, minh bạch cơ chế giao đất đối với các dự án BT ​

Tại Hội thảo “Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam” diễn ra ngày 27-6 tại Hà Nội, một số ý kiến cho rằng giá đất đối với các dự án xây dựng – chuyển giao (BT), thường được gọi nôm na là dự án “đổi đất lấy hạ tầng”, hiện còn nhiều vấn đề bất cập.
"Đất vàng" Trường Chính trị Khánh Hòa đã được xây khách sạn, một trong những dự án BT đang có nhiều khuất tất
"Đất vàng" Trường Chính trị Khánh Hòa đã được xây khách sạn, một trong những dự án BT đang có nhiều khuất tất

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư triển khai dự án hiện đang thực hiện theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành - thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường - làm lợi cho nhà đầu tư và một số người có chức, quyền liên quan thông qua cơ chế xin – cho.

Cần công khai, minh bạch cơ chế giao đất đối với các dự án BT ​ ảnh 1 GS, TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo

Nêu ví dụ điển hình là giá đất khi giao các mảnh đất sau khi di dời các nhà máy, biển báo, kho tàng… cho chủ đầu tư làm nhà ở. Đồng thời, đất giao không qua đấu giá, không công khai minh bạch. Bên cạnh đó, giá công trình BT thường được giao cho chủ đầu tư tự tính toán lập nên rồi “thẩm định”, “xét duyệt” mà không đấu thầu, dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả 2 đầu. “Cơ chế xin - cho này tạo điều kiện cho tham ô tham nhũng mà hàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử, liên quan đến đất đai, dính đến nhiều cán bộ có chức, có quyền", Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam thẳng thắn bình luận.

Đây cũng là một trong những vấn đề được GS, TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích. Ông Võ cho rằng, khoảng trống lớn nhất của Luật Đất đai là câu chuyện biến vốn đất thành vốn tài chính.

Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ thừa nhận, đối với các dự án BT, Luật Đất đai chỉ quy định về thẩm quyền giao đất BT, còn phần định giá thì biến mất.

GS Đặng Hùng Võ nói: “Trong khi đó, yếu tố rất quan trọng khi làm BT là định giá chứ không phải thẩm quyền giao đất. Luật không quy định ai là người có trách nhiệm kiểm toán giá trị đất đai, công trình nhà đầu tư đã làm. Điều này dẫn đến lỗ hổng trong quản lý dự án BT”.

Nhiều "lỗ hổng" khác trong Luật Đất đai cũng được ông Đặng Hùng Võ chỉ ra, chẳng hạn như trường hợp nhiều khu vực đất quốc phòng được bán cho nhiều nhà đầu tư bất động sản, nhưng cách thức bán đã diễn ra thế nào thì chưa rõ. "Đem đất quốc phòng ra làm khu đô thị và cơ chế tài chính là gì? Bán trực tiếp hay vòng qua ngân sách? Không có quy định nào cả. Thất thoát ở đây rất nhiều", ông Võ nhận định.

Liên quan đến quá trình cổ phần hoá DNNN, quy định hiện nay là không tính giá trị đất đai đối với đất thuê, nhưng thuê đất cũng có 2 trường hợp: 1 lần và hàng năm. Vẫn theo GS Đặng Hùng Võ, nếu trả 1 lần thì đấy là hình thức tích lũy. Luật Đất đai 2003 gọi là giao đất, Luật 2013 gọi là thuê đất trả 1 lần. Quy định không tính giá trị đất đai với đất thuê thì đúng với Luật 2003 chứ không đúng với Luật 2013 nữa. Hay như Luật Đất đai 2013 không nói đến chuyện đấu thầu sử dụng đất, chỉ có đấu giá đất nhưng trên thực tế đấu thầu là có…

Tin cùng chuyên mục