Cần đẩy mạnh việc đánh giá, kiểm định chất lượng hệ thống giáo dục đại học

(SGGPO).- Ngày 14-2, phát biểu tại hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương có sơ kết và báo cáo Thủ tướng kết quả sau hai năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 với những việc đã làm được và chưa làm được.

(SGGPO).- Ngày 14-2, phát biểu tại hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương có sơ kết và báo cáo Thủ tướng kết quả sau hai năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 với những việc đã làm được và chưa làm được.

Theo đó, Bộ cần báo cáo cụ thể, phân tích rõ vai trò điều tiết và trả lời câu hỏi vì sao việc mất cân đối trong đào tạo vẫn xảy ra khi có tới 60% (248 trường ĐH-CĐ trong tổng số 416 trường) số trường tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Tức là chỉ còn 76 trường ĐH và 92 trường CĐ tuyển là tuyển sinh các ngành khác. Có tới 38% chỉ tiêu được các trường dành cho các ngành kinh tế, còn lại 62% chỉ tiêu dành cho tất cả các ngành khác. Bình quân trong ba năm, số thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế chiếm 41% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.

“Ngành giáo dục cần rà soát chỉ tiêu các ngành. Các trường hiện nay tập trung tuyển sinh các ngành kinh tế, vậy Bộ có cần điều chỉnh không hay để các trường tự xác định chỉ tiêu? Nếu thế sẽ dẫn đến nguy cơ gì, Bộ cần phải bàn cho rõ”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Sau khi Quốc hội thông qua cơ chế đổi mới tài chính cho giáo dục, đào tạo, Bộ GD-ĐT cần có báo cáo chính thức về mối liên hệ giữa tăng học phí và tăng chất lượng giáo dục với Chính phủ và Quốc hội: tăng học phí nhưng chất lượng có tăng?

“Từ năm 2010, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học, hình thành ba trung tâm kiểm định giáo dục độc lập, đến nay Bộ đã làm chưa?”, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi. Cũng theo Phó Thủ tướng, để phát huy tự chủ đại học, rất nhiều điều phải làm, trong đó có vấn đề chất lượng giảng viên. “Chúng ta đặt mục tiêu đến 2014, chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học, liệu có làm được không? Bộ cần có câu trả lời”, Phó Thủ tướng truy vấn và yêu cầu ngành GD-ĐT cần sớm tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cũng lưu ý mục tiêu đến 2014 chấm dứt hoàn toàn tình trạng giảng viên trình độ cử nhân đứng lớp…

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã thừa nhận một số bất cập trong hệ thống giáo dục đại học, trong đó có bất cập về đội ngũ giảng viên, giáo viên. “Thậm chí, nhiều hiệu trưởng chưa từng đứng lớp giờ nào nhưng cũng tham gia vào bộ máy quản lý nhà trường”, Bộ trưởng thẳng thắn. Trong khi đó, lợi dụng danh nghĩa đào tạo theo nhu cầu xã hội, có hiện tượng một số doanh nghiệp sau khi ký hợp tác thỏa thuận đào tạo với các cơ sở đào tạo hệ cao đẳng hoặc đại học đã trục lợi, thu tiền của của thí sinh đến hàng chục triệu đồng để tuyển sinh dưới điểm sàn.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận ngành “chưa làm được gì nhiều” về kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý. Vì thế, tới đây ngành sẽ phải làm mạnh các vấn đề này.

Về phát triển giáo dục đại học nói chung, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cam kết tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ bảo đảm tăng số lượng trên cơ sở bảo đảm chất lượng.  

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục