Cần điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm phù hợp với thực tiễn

Để tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quy định quản lý dạy thêm, học thêm phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của TP, sáng 22-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý, hiến kế của cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

(SGGP). – Để tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quy định quản lý dạy thêm, học thêm phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của TP, sáng 22-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý, hiến kế của cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Phân tích những nội dung quy định về dạy thêm, học thêm của Thông tư 17 chưa sát thực tế, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT ban hành vội vã, chưa nghiên cứu kỹ nên cần chỉnh sửa để khỏi “vênh” với thực tế. Cụ thể thông tư đặt nặng việc dạy thêm đối với giáo viên trường công lập nhưng lại thả nổi cho khối trường ngoài công lập, sinh viên dạy thêm; giữa Điều 4 và Điều 7 bộc lộ bất cập, mâu thuẫn khi vừa cấm vừa cho phép dạy thêm, học thêm trong trường công lập; giao việc quản lý dạy thêm, học thêm cho chính quyền phường xã là không khả thi… Những bất cập nêu trên đang khiến dư luận, nhà giáo và phụ huynh phản ứng theo nhiều góc độ khác nhau.

Mổ xẻ thực trạng, nêu nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến hoạt động dạy thêm, học thêm duy trì ở tất cả các trường học, địa phương, nhiều ý kiến đúc kết: “Chương trình, nội dung nặng về hàn lâm, ít thực hành, cộng thêm thời lượng phân bổ dạy học chưa hợp lý, chất lượng giáo viên không đồng đều, áp lực thi cử… là nguyên nhân khiến thầy và trò phải lao vào dạy thêm, học thêm”.

Nguyên nhân thứ hai, thu nhập, tiền lương của giáo viên thấp nên họ phải dạy thêm để cải thiện đời sống, trụ lại với nghề. Tuy nhận định dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, góp phần bổ sung kiến thức kịp thời cho học sinh yếu kém, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho học sinh giỏi, tài năng, một số ý kiến cũng nhấn mạnh đến tác hại, sự nguy hiểm của việc dạy thêm, học thêm tràn lan, không kiểm soát được.

Cụ thể việc “nhai đi nhai lại” kiến thức đã học hoặc quen được “mớm sẵn” sẽ khiến học sinh thụ động, ra đời không biết làm việc năng động, sáng tạo và học nhồi nhét quá nhiều kiến thức sẽ khiến tuổi thơ của các em bị “đánh cắp”. Để giải quyết vấn nạn dạy thêm, học thêm và hạn chế tiêu cực thì phải có giải pháp đồng bộ từ vĩ mô đến cơ sở, trong đó phải có quyết sách giải quyết căn cơ bài toán tiền lương, thu nhập đủ sống cho giáo viên để họ toàn tâm, toàn ý với nghề. Đa số ý kiến cho rằng nên giao cho hiệu trưởng quản lý, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm và xử lý những trường hợp vi phạm, bị phụ huynh phản ánh có tiêu cực, dạy không đúng nội dung.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Thị Thanh Kiều cho biết những ý kiến đóng góp thiết thực này sẽ tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quy định quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP hiệu quả, phù hợp với nhu cầu.  

KH.B.

Tin cùng chuyên mục